Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020): Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Thủy Tiên thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã được khẳng định trong 90 năm qua, làm sao để tiếp tục phát huy sức mạnh ấy là trách nhiệm của MTTQ Việt Nam các cấp, trong đó có Ủy ban MTTQ TP Hà Nội. Nhân dịp 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương về vấn đề này.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương với các đại biểu dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Nguyễn Toàn
Cầu nối bền chặt
Thưa bà, những năm gần đây, Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ và toàn diện trên các lĩnh vực. Bà có thể cho biết khái quát trong thành tựu chung ấy, MTTQ TP Hà Nội đã đóng góp vai trò như thế nào?

- Với cách làm đổi mới, sáng tạo, công tác Mặt trận TP Hà Nội đã làm tốt vai trò cầu nối bền chặt giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân. Các cấp MTTQ TP tập trung làm tốt công tác nắm tình hình và định hướng dư luận, kịp thời báo cáo cấp ủy những vấn đề phức tạp, đồng thời tham mưu cho cấp ủy và phối hợp với chính quyền trong việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận, giải quyết những bức xúc của Nhân dân, hạn chế điểm nóng phát sinh.

Điển hình là Mặt trận TP đã triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tham gia có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững của Thủ đô. Công tác giám sát và phản biện xã hội được đẩy mạnh ở các cấp. Công tác dân tộc, tôn giáo và tín ngưỡng trên địa bàn TP diễn ra ổn định, các chức sắc, tín đồ tôn giáo, cá nhân tiêu biểu đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc, đồng bào có đạo thực hiện tốt, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.

Có thể thấy hoạt động của MTTQ Hà Nội trải rộng trên nhiều lĩnh vực, song theo bà, đâu là hoạt động nổi bật nhất trong thời gian qua?

- Hoạt động nổi bật của công tác Mặt trận thời gian qua là phòng, chống dịch Covid-19. Khi đại dịch bùng phát, cả nước và Thủ đô bước vào cuộc chiến cam go, đầy khó khăn, thử thách, MTTQ TP đã tổ chức Chương trình “Chung tay phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra” kết hợp với vận động hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, của Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, MTTQ TP đã ra “Lời kêu gọi Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19”. Việc vận động nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch đã được thực hiện đồng bộ từ TP đến cơ sở. Đến nay, Mặt trận các cấp đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch bằng tiền mặt và hàng hóa trị giá trên 243 tỷ đồng. Đồng thời, kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị, sở, ngành để chuyển tấm lòng của các tổ chức, cá nhân tới những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, lực lượng tuyến đầu chống dịch, các địa phương bị cách ly...

Hà Nội đã cùng cả nước kiểm soát bước đầu có hiệu quả dịch Covid-19. Trong khó khăn, chúng ta một lần nữa lại thấy tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần “tương thân tương ái” được thắp sáng, lan tỏa trong xã hội. Thực tế đó đã chứng minh, thời nào cũng vậy, Mặt trận luôn có lợi thế tập hợp, đoàn kết dân tộc vì những mục tiêu cao cả.

Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

Nhân dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, bà có thể cho biết những công trình hoặc phần việc cụ thể của MTTQ TP Hà Nội?

- Dịp này, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã chủ động, sớm xây dựng kế hoạch tổ chức 17 hoạt động kỷ niệm trên địa bàn TP với nội dung cụ thể, hình thức đa dạng, phong phú, được thể hiện bằng các công trình, sản phẩm. Nổi bật là Mặt trận TP đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ tháng cao điểm “Vì người nghèo” và an sinh xã hội năm 2020, khánh thành 90 nhà Đại đoàn kết, vinh danh 90 DN, nhà hảo tâm tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong các hoạt động an sinh xã hội của TP. Mặt trận TP cũng lựa chọn 90 công trình, phần việc, 90 gương cán bộ Mặt trận điển hình, 90 bài viết về gương điển hình tiên tiến để vinh danh, khen thưởng; tổ chức lễ vinh danh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2020; khai mạc triển lãm ảnh trưng bày các hoạt động của Mặt trận trong 90 năm… Một hoạt động nổi bật nữa diễn ra dịp này là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư, thôn, tổ dân phố. Ủy ban MTTQ Việt Nam và UBND TP đã ký kế hoạch liên tịch, đảm bảo đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt hoạt động này.

Thời gian tới, MTTQ TP Hà Nội sẽ tiếp tục có những đổi mới như thế nào để xứng đáng với truyền thống 90 năm đầy tự hào và vẻ vang của MTTQ Việt Nam, thưa bà?

- Trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam TP xác định sẽ không ngừng đổi mới cả nội dung lẫn phương thức hoạt động. Thứ nhất, Mặt trận TP lựa chọn nội dung phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tâm tư nguyện vọng tình cảm, đại diện cho tiếng nói của Nhân dân để phản ánh đến các cơ quan chức năng.

Thứ hai, phương thức hoạt động của Mặt trận phải đảm bảo cả chiều sâu lẫn bề rộng. Thực tế các phong trào an sinh xã hội trong năm 2020 đã chứng minh được điều đó. Cùng với đó, nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội. Công tác này hiện đang thực hiện khá tốt ở cấp TP và cấp quận, huyện, cần phải được quan tâm hơn ở cấp cơ sở. Thứ ba, chúng tôi đang hướng tới công tác trẻ hóa cán bộ Mặt trận từ cấp cơ sở đến TP. Cùng với sự nhiệt huyết, khả năng tiếp cận với cái mới nhanh hơn, uy tín là điều mà cán bộ trẻ phải phấn đấu nỗ lực rất nhiều.

Ngoài ra, Mặt trận cũng cần đổi mới phương thức nắm bắt tình hình Nhân dân một cách kịp thời, chính xác, đặc biệt là nâng cao kỹ năng, trình độ dự báo tình hình để đáp ứng tốt công tác tham mưu. Có như vậy, các vấn đề mới được giải quyết thấu đáo, không gây bức xúc, không trở thành điểm nóng…

Xin trân trọng cảm ơn bà!

5 năm gần đây, Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp đã vận động được hơn 268,9 tỷ đồng; hỗ trợ xây, sửa 8.148 nhà ở cho hộ nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn TP còn 0,4% vào cuối năm 2019, đưa Hà Nội trở thành đơn vị tiêu biểu trong công tác giảm nghèo của cả nước. Về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đến nay đã có 6 huyện và 356 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hoạt động của các Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Cứu trợ”, “Vì biển, đảo Việt Nam” luôn nhận được sự hưởng ứng ủng hộ tích cực của các tầng lớp Nhân dân...
Mặt trận từ TP đến cơ sở đã tổ chức 3.409 cuộc giám sát, 2.909 hội nghị phản biện xã hội đối với việc chấp hành các chính sách của TP, địa phương, đơn vị; giám sát và nhận xét đối với đảng viên ở nơi cư trú, các chuyên đề liên quan đến quyền và lợi ích của Nhân dân ở địa phương. MTTQ các cấp đã tham gia góp ý đối với 1.665 dự thảo Luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cùng cấp. Phối hợp tổ chức 3.109 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cùng cấp với MTTQ, các tổ chức thành viên và Nhân dân…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần