Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Khoảng lặng giữa đời thường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhắc đến nghề giáo bây giờ, hẳn ai cũng nghĩ, làm nghề ấy thật sung túc vì cơ chế thoáng và ý thức về việc học tập của xã hội ngày càng cao. Không sai, nhưng không hẳn vậy.

Bởi giữa ồn ào những cái đẹp, cái vui của nghề, vẫn có thầy cô mang theo khoảng lặng của riêng mình lên bục giảng!

Bà Hiệu trưởng và hàng nước

"Chúng con chào bác Hiệu trưởng ạ!" - những cái miệng tròn vo, những đôi mắt trong veo của bọn trẻ mẫu giáo vẫn hướng về cô Hiệu trưởng Lê Thị Lan như thế mỗi lần gặp cô. Cô Lan lại cúi xuống trò chuyện với bọn trẻ, lúc về cách rửa tay trước khi ăn, lúc về bài học… Có bé chưa thuộc bài mặt đỏ, miệng mếu máo, cô Lan ôm bé vào lòng nựng: "Con quên cách rửa tay rồi à? Để bác giúp con nhé!"…

"Cô Lan khá nóng tính. Giáo viên nào lơ là trong công việc là cô nghiêm khắc ngay, nhưng cô rất yêu thương và chia sẻ công việc với đồng nghiệp" - giáo viên Trường mầm non Vĩnh Hồ thường nói về người lãnh đạo của mình như thế. Cô Nga, dạy lớp mẫu giáo lớn kể: "Trời mưa, nước ngập, cô xắn cao quần để ra tháo cống cùng giáo viên. Bất kể lúc nào rảnh công tác quản lý, cô lại xuống lớp hỗ trợ, uốn nắn giáo viên trẻ. Chẳng khi nào chúng tôi thấy nét mặt cô chùng xuống vì điều gì, dẫu chúng tôi đều biết, cuộc sống của cô còn đầy cực nhọc".

Bên ngoài chuyện trường lớp kia, là câu chào thường nhật: "Bà Hiệu trưởng đã mở quán đấy ạ?" của người dân quanh đó mỗi khi đi qua quán nước của cô Lan. Quán của cô hiệu trưởng nằm ngay trên phố Hoàng Minh Giám (Trung Hoà, Cầu Giấy). "16 giờ 30 phút tôi ở trường về, lo cơm nước cho chồng con xong thì ra đây bán nước"… chầm chậm và lắng đọng, cô Lan chia sẻ: "Cực chẳng đã thôi, chứ ai muốn đeo mang cái việc này, nhất là những người làm thầy như chúng tôi". Cái nỗi "cực chẳng đã" mà cô nói bắt nguồn từ gánh nặng lệch vai về kinh tế gia đình cô phải mang. Đấy là người chồng không nghề nghiệp, mắc bệnh tiểu đường nặng. Hàng tháng cô phải lo tiền thuốc cho chồng không dưới 5 triệu đồng, chưa kể đến tiền ăn học cho con. Quán nước nhỏ ven đường mở từ năm 2008, thu nhập mỗi tháng từ đây cũng đỡ đần chút ít cho cuộc sống khó khăn của gia đình.

Có người cũng hỏi: "Cô là Hiệu trưởng trường trên phố, thiếu gì tiền từ phụ huynh chạy học cho con mà sao vẫn phải bán nước thế này?". Cô Lan chỉ biết cười. "Thanh minh làm sao hết được với tất cả mọi người kia chứ. Ở nghề nào cũng thế, người tốt và kẻ xấu luôn lẫn lộn. Cốt là mình giữ được cái tâm dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào", đó là lời tâm sự chân tình của cô, một Hiệu trưởng rất đời thường!

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Khoảng lặng giữa đời thường - Ảnh 1

Hiệu trưởng Lê Thị Lan (áo sẫm) xuống thăm và tham dự bài học về cách “rửa tay trước khi ăn” của lớp mẫu giáo nhỡ, trường Mầm non Vĩnh Hồ.

Cô giáo trắng đêm với sổ kế toán

Sinh năm 1980 nhưng đến tận năm 2010 cô Huế mới được bước chân vào môi trường sư phạm mà cô yêu thích là thư viện. Cũng vì con đường đến với nghề của cô đầy nhọc nhằn. Mấy năm trước để mưu sinh, cô Huế phải làm đủ nghề: sáng sớm pha thịt lợn thuê, xong việc sang làm lao công ở trường Tiểu học Trung Phụng, tối đến lại bán hàng nước trong ngõ Chợ Khâm Thiên. Ngày ngày quét dọn trong trường Tiểu học Trung Phụng, nhìn đám trẻ chơi đùa sau mỗi giờ học, cô lao công Huế thấy yêu chúng quá. Thế là dự định lại nảy ra, cô Huế quyết tâm thi vào trường tin học Estin. Và hai năm liền cô đi học vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật.

Cầm tấm bằng đỏ kèm giấy chứng nhận kết quả học tập xuất sắc của trường, cô Huế tìm kiếm cơ hội cho mình trong đợt xét duyệt công chức thư viện của thành phố Hà Nội năm 2010. Thật bất ngờ khi cô được xét tuyển và phân công vào công tác tại trường Tiểu học Trung Tự. Phòng thư viện của trường có hàng trăm đầu sách được để ngăn nắp theo từng chủ đề. Hôm nay là thứ Sáu, lớp 5A sẽ có tiết học tập tại thư viện với chủ đề về ngày 20/11. Là tiết học cuối cùng của buổi học nhưng những đôi mắt, những nụ cười của trẻ thơ vẫn tươi rói trong bài giảng của cô giáo Huế. Một câu chuyện về tình thầy trò được cô Huế kể, một cuốn sách hay về nghĩa trò được cô Huế giới thiệu để học sinh tự đọc và phát biểu cảm nghĩ. Đến tiết học sau các em nộp bài và được cô chấm điểm, nhận xét từng bài nên bạn nào cũng hào hứng…

Hỏi về thu nhập, cô Huế chẳng giấu, lương giáo viên thư viện như cô mỗi tháng được hơn 1,4 triệu đồng. Thế mà phía sau cô là gia đình nhỏ: chồng đang cặm cụi theo đuổi ngành dược, đứa con nhỏ học lớp 3. Cuộc sống khá chật vật bởi kinh tế khó khăn, thế nên, cô nhận làm thêm về kế toán thuế cho hai công ty tư nhân. Cô bảo, bình thường cô thức đến 2 - 3 giờ sáng, những ngày cuối năm có khi thức trắng đêm cả tuần. "Mẹ đi ngủ với con. Mẹ vẫn làm gì thế?", cậu con trai 8 tuổi mắt díp lại thường gọi mẹ khi kim đồng hồ đã chỉ sang ngày hôm sau. Cô Huế lại buông bút, nằm cạnh vỗ về: "Mẹ đây, con ngủ ngoan nào". Và khi con thơ vào giấc ngủ say, cô lại cặm cụi với những con số…

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Khoảng lặng giữa đời thường - Ảnh 2

Cô giáo Nguyễn Thị Huế chuẩn bị giờ học chủ đề sách về ngày 20/11 cho lớp 5A. Ảnh: THU ANH

Những khoảng lặng của nhà giáo chẳng kém nhọc nhằn. Nếu ai không vững tâm và say nghề chắc hẳn sẽ không thể vượt qua, đặc biệt giữa buổi kinh tế thị trường này. Đáng trân trọng biết bao những gì mà họ đã lặng lẽ đi qua để vững bước với sự nghiệp trồng người của mình.