Trước những băn khoăn này, nhiều chuyên gia giáo dục đại học (ĐH) đồng tình với 2 loại cụm thi, nhưng cho rằng cần điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật cũng như hạn chế của kỳ thi năm 2015.
Linh hoạt cụm thi
Về cụm thi, các ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT vẫn nên thiết kế 2 loại cụm thi, 1 cụm do các trường ĐH chủ trì dành cho thí sinh có nhu cầu xét tuyển sinh ĐH, CĐ; 1 cụm do sở GD&ĐT chủ trì dành cho thí sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, những thí sinh ở vùng ráp ranh giữa các cụm thi, có quyền lựa chọn cụm thi phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình. Với những tỉnh có điều kiện đi lại khó khăn, Bộ GD&ĐT nên bố trí thêm 1 cụm thi ĐH để tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Theo quan điểm của TS Trần Mạnh Dũng – Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, vấn đề đặt ra là cụm thi do các trường ĐH chủ trì hay do sở GD&ĐT tổ chức đó mới là điều quan trọng. Cùng với đó là chất lượng coi thi và chấm thi. Thực tế, kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua, người ta nghi ngại 2 cụm thi có đảm bảo sự công bằng, có sàng lọc được đối tượng vào học ĐH đúng năng lực.
Thời gian thi tháng 6 hay tháng 7 cũng được các chuyên gia đề cập đến. Nếu vẫn tổ chức thi vào tháng 7 như năm trước, thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, khả năng làm bài của thí sinh. Nhưng nếu kỳ thi diễn ra ngay sau khi học sinh lớp 12 kết thúc năm học thì thời gian chuẩn bị, ôn tập quá eo hẹp. Nếu tới đây, Bộ GD&ĐT tổ chức thi đánh giá năng lực như ĐH Quốc gia Hà Nội đang làm, đầu tháng 6 tổ chức là hợp lý, thậm chí có thể diễn ra ngay trong năm học. Thi vào tháng 7, việc chấm bài thi khá cập rập, rất vất vả cho các trường ĐH và các cụm thi. Vì thế, “nếu đề thi như cũ, các em phải đầu tư thời gian học ngày, học đêm hết khối lượng kiến thức mới có khả năng làm được bài. Còn nếu Bộ cải tiến đề thi theo hướng đánh giá năng lực, thí sinh không nhất thiết phải có thời gian ôn và chuẩn bị. Cho nên đây chính là vấn đề” - TS Dũng phân tích. Trong khi đó, PGS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Nếu tổ chức thi vào giữa tháng 6, học sinh sẽ có ít thời gian ôn tập. Nếu năm nay, đề thi nâng tỷ trọng câu hỏi ĐH lên cao thì cần phải có nhiều thời gian ôn tập vì kiến thức không nằm trong chương trình cơ bản nhiều, mà có nâng cao. Tuy nhiên, vì điều kiện thời tiết và một số vấn đề khác phải đẩy thời gian sớm lên. Thầy và trò phải chấp nhận và làm quen với việc đó”. PGS Cao Quốc An - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Lâm nghiệp Việt Nam cũng đồng tình với việc tổ chức thi vào giữa tháng 6: “Các trường ĐH sẽ có khó khăn là đang tổ chức thi hết kỳ và tốt nghiệp của sinh viên, nhưng khi biết trước lịch thi THPT Quốc gia thì sẽ điều chỉnh được”.
Cần được điều chỉnh về kỹ thuật
Thực sự kỳ thi kéo dài 4 ngày gây không ít mệt mỏi, căng thẳng cho thí sinh cũng như người nhà, chi phí xã hội tăng lên. Tuy nhiên, 4 ngày thi tổ chức được nhiều môn hơn và thí sinh có nhiều lựa chọn các tổ hợp cũng như được đăng ký vào nhiều ngành. Nhưng số lượng thí sinh đăng ký vài tổ hợp không nhiều, bởi đa số các em chọn theo khối truyền thống từ năm học lớp 10 và 11. Các em cũng đã biết được sở trường, sở đoản của mình. Vì thế, có chuyên gia đề nghị Bộ GD&ĐT cân nhắc có cần thiết mở rộng quá nhiều hay không? Hơn nữa, thi theo kiểu đánh giá năng lực, nếu thí sinh có học lực tốt, tự tin thì lựa chọn trường, ngành, tổ hợp môn mình có ưu thế. Còn những thí sinh có năng lực hạn chế, càng chọn nhiều tổ hợp càng phân tán. Cho nên, nhiều chuyên gia ủng hộ phương án thi trong 3 ngày.
PGS Điền cũng cho rằng: “Thi 4 ngày là quá dài gây mệt mỏi nhiều cho các trường và thí sinh, vì có những em phải chờ đến môn thi cuối cùng. Cho nên Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu xem các môn tự chọn nào có thể ghép với nhau được. Ví dụ, Lịch sử - Sinh học ghép với nhau thi trong 1 buổi, em nào thi Lịch sử thì không thi Sinh học, em nào thi Sinh học thì bỏ qua Lịch sử. Việc này phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, để có thể giảm xuống 3 ngày là phù hợp”.
Điểm ưu tiên cho thí sinh tối đa lên tới 3,5 điểm (2 điểm ưu tiên theo đối tượng và 1,5 điểm ưu tiên theo khu vực) cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia bàn luận, bởi cho rằng như vậy là quá nhiều. Cũng có ý kiến đề nghị giảm 50% điểm ưu tiên theo khu vực, theo đó, khu vực 3 không ưu tiên, khu vực 2 ưu tiên 0,25 điểm, khu vực 2 nông thôn ưu tiên 0,5 điểm, khu vực 1 là 0,75 điểm. Việc ưu tiên theo đối tượng cũng nên cân nhắc, bởi còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, vẫn phải có ưu tiên, nhưng nên giảm đi so với năm ngoái cho hợp lý. Ngoài ra là những đề xuất khắc phục hạn chế về đề thi, phần mềm quản lý thi, kiểm soát hồ sơ…
Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp về thi THPT quốc gia 2016, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, sắp tới Bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến góp ý về phương án tổ chức kỳ thi này. Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp, thống nhất và hoàn thiện. Dự kiến trước Tết Nguyên đán Bộ GD&ĐT sẽ thông tin chính thức về kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.
Thí sinh làm bài thi THPT quốc gia năm 2015. Ảnh: Viết Thành
|