Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Nhiều cụm thi có phải giải pháp hay?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016 là năm thứ hai Bộ GD&ĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) theo hình thức "2 trong 1".

Dù có những điều chỉnh, rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm ngoái, song nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc kỹ việc tổ chức nhiều cụm thi và có phương án sớm để tránh xảy ra tiêu cực.

Thuận lợi cho thí sinh, áp lực cho địa phương

Theo dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2016 mà Bộ GD&ĐT công bố, mỗi tỉnh, TP trực thuộc T.Ư sẽ tổ chức 2 loại cụm thi, một cho thí sinh (TS) dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì; một cho TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, do Sở GD&ĐT chủ trì. Ngoài ra, một điểm mới là tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi ĐH cho cả hai đối tượng TS dự thi.
Giờ học lịch sử của học sinh Trường THPT Tiền Phong (huyện Mê Linh). Ảnh: Phạm Hùng
Giờ học lịch sử của học sinh Trường THPT Tiền Phong (huyện Mê Linh). Ảnh: Phạm Hùng
Với phương án này, ước tính số lượng cụm thi sẽ tăng đáng kể so với năm trước (năm 2015 có 99 cụm, gồm 38 cụm do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm do các sở GD&ĐT chủ trì). Tính riêng số cụm do các trường ĐH chủ trì có ít nhất là 64 cụm; các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể có nhiều cụm thi hơn các địa phương khác. Song khá nhiều lãnh đạo trường phổ thông, học sinh lớp 12 và phụ huynh đồng tình với phương án này. Anh Lý Mạnh Tuấn, có con học lớp 12 trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, cụm thi dành cho TS thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức ở tất cả các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư sẽ giúp cho TS không phải di chuyển nhiều. “Những thay đổi này sẽ tạo điều kiện hơn cho TS về tâm lý cũng như sức khỏe. Phụ huynh, nhất là người ở tỉnh xa đỡ áp lực về chuyện đi lại, ăn ở, ảnh hưởng do thời tiết, giao thông” – anh Tuấn bày tỏ.
Hà Nội tổ chức thăm dò nguyện vọng đăng ký dự thi
Ngày 29/2, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu tất cả các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên… toàn TP tổ chức thăm dò nguyện vọng đăng ký dự thi THPT quốc gia của học sinh lớp 12. Học sinh sẽ được yêu cầu đăng ký nguyện vọng dự thi những môn thi nào trong tổng số 8 môn thi THPT quốc gia. Học sinh cũng cần nêu rõ nguyện vọng dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ hay dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Đây là những số liệu cần thiết để Hà Nội lên phương án tổ chức cụm thi kỳ thi THPT sắp tới.

Dẫu vậy, các ý kiến cũng cho rằng, với phương thức tổ chức nhiều cụm thi, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc kỹ. Như một chuyên gia của ĐH Lâm nghiệp phân tích, mỗi tỉnh đều tổ chức cụm thi riêng sẽ khiến các địa phương đối mặt với việc tăng cường cơ sở vật chất, phòng thi, đội ngũ cán bộ coi thi. Nếu không triển khai, bổ sung tốt những điều kiện này, rất khó có một kỳ thi nghiêm túc. Không loại trừ khả năng vì áp lực mà địa phương nới lỏng việc coi thi khiến kết quả thi không chính xác, gây khó cho các trường ĐH, CĐ khi xét tuyển.

Sớm đưa ra phương án

Cách thức và hiệu quả khi tổ chức nhiều cụm thi ra sao; có đảm bảo nghiêm túc và công bằng hay không là băn khoăn của không ít chuyên gia, nhà quản lý giáo dục về kỳ thi sắp tới. Ông Lê Văn Dũng – Hiệu trưởng trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho rằng, quy định về cụm thi như vậy thì số lượng cụm thi sẽ tăng lên rất nhiều, khâu tổ chức sẽ rất tốn kém. Hơn nữa, nếu không có giải pháp đảm bảo an toàn, thì tính thực chất, công bằng của kết quả thi sẽ không được đảm bảo giữa các TS trong các cụm thi. Cũng đưa ra những nhận định về cách thức tổ chức cụm thi, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, phương án này sẽ làm tăng xác suất TS học cùng trường, cùng lớp ngồi thi cùng phòng ở các địa phương. Điều đó có khả năng ảnh hưởng tới kỷ luật trường thi, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng dễ xảy ra tiêu cực. “Theo tôi, nên tổ chức một cụm thi (do một trường ĐH chủ trì) cho cả 2 đối tượng: Xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, CĐ; Không nên phân thành 2 loại đối tượng TS. Trên cơ sở đó, các trường ĐH dựa trên kết quả để xét tuyển. Nếu cụm thi tốt nghiệp dành cho TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do sở GD&ĐT chủ trì, học sinh địa phương dễ có suy nghĩ chủ quan: Giám thị coi dễ hơn, thi kiểu gì cũng đỗ. Thi cùng một cụm thi, để mọi học sinh đi học đều phải phấn đấu” – ông Lâm phân tích. Do đó, ông Lâm đề xuất, để tổ chức kỳ thi nghiêm túc, Bộ GD&ĐT nên có kế hoạch, chuẩn bị phương án sớm về lực lượng an ninh trường thi; cơ sở vật chất; đội ngũ giám thị… Phải bắt tay làm ngay, làm chặt chẽ mới hy vọng kỳ thi an toàn, công bằng.

Có thể thấy, với chủ trương tổ chức kỳ thi "2 trong 1", Bộ GD&ĐT đã nỗ lực để có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện cho TS. Tuy nhiên, để có những điều chỉnh phù hợp với thực tế, các nhà làm giáo dục cần lắng nghe những phản hồi từ các chuyên gia, đội ngũ thầy, cô giáo có kinh nghiệm.