Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Tách biệt 2 cụm thi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (5/3) là hạn chót các địa phương gửi phương án tổ chức cụm thi THPT quốc gia về Bộ GD&ĐT.

Về cơ bản, phương án 2 cụm thi (cụm thi xét tốt nghiệp và cụm thi xét tuyển ĐH) được lựa chọn. Bên cạnh đó, việc thăm dò nguyện vọng đăng ký môn thi cũng được các địa phương tiến hành để có phương án tổ chức một kỳ thi 2 mục đích.

Không để thí sinh di chuyển xa

Qua thăm dò nguyện vọng của học sinh (HS) lớp 12 về việc dự thi THPT quốc gia tại Hà Nội, ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, số liệu ban đầu cho thấy, tại nhiều trường THPT, đặc biệt là các trường thuộc vùng sâu, vùng xa, rất nhiều HS chỉ đăng ký dự thi cụm thi địa phương với mục đích xét tốt nghiệp THPT. Tham khảo một số trường THPT trên địa bàn TP, nhất là các trường ở ngoại thành cho thấy, số lượng HS đăng ký xét tốt nghiệp THPT chiếm 2/3, chỉ 1/3 HS đăng ký xét tuyển vào ĐH.
Thí sinh làm bài thi môn Vật lý trong kỳ thi quốc gia 2015 tại Đại học GTVT Hà Nội. 	Ảnh: Phạm Hùng
Thí sinh làm bài thi môn Vật lý trong kỳ thi quốc gia 2015 tại Đại học GTVT Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Cụ thể, tại trường THPT Bất Bạt (huyện Ba Vì) trong tổng số 340 HS lớp 12 thì có tới 2/3 HS chọn thi để xét tốt nghiệp; nhu cầu xét tuyển ĐH, CĐ khoảng 100 HS. Đặc biệt, phần lớn HS của các Trung tâm giáo dục thường xuyên chỉ có nhu cầu dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp. Do đó, ông Chất cho biết, Sở sẽ đề xuất UBND TP vẫn tổ chức 2 cụm thi địa phương và cụm thi ĐH. “Việc tổ chức cụm thi địa phương sẽ giúp thí sinh đỡ vất vả hơn, vì năm nay không tổ chức thi liên tỉnh nên số lượng các cụm thi ĐH sẽ hạn chế. Nếu thí sinh chỉ tập trung thi ở các cụm thi này thì những HS thi để xét tốt nghiệp sẽ phải di chuyển xa, không thuận tiện” – ông Ngô Văn Chất phân tích.

Còn thông tin từ Sở GD&ĐT Hòa Bình, năm nay tại tỉnh sẽ có 2 cụm thi. Trong đó, cụm thi do các trường ĐH chủ trì sẽ đặt tại TP Hòa Bình, thí sinh vừa xét tuyển ĐH, CĐ, vừa xét tốt nghiệp sẽ di chuyển về TP để thi. Cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì sẽ tổ chức mỗi huyện một điểm thi cho các thí sinh xét tốt nghiệp THPT. “Năm 2015, Hòa Bình chỉ có trên 40% thí sinh thi tại cụm thi ĐH chủ trì, trên 50% thí sinh chỉ xét tốt nghiệp. Việc vẫn tổ chức 2 cụm thi sẽ phù hợp với điều kiện thực tế của các huyện miền núi, hạn chế phải di chuyển khi có nhiều nơi cách trung tâm TP tới 100km” – đại diện Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết. Đây cũng là quan điểm của các Sở GD&ĐT tỉnh miền núi khu vực phía Bắc.

Gỡ điểm bằng môn Địa lý

Bên cạnh phương án tổ chức cụm thi, việc đăng ký môn thi cũng được quan tâm. Ngay từ cuối tháng 2, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường THPT khảo sát trong HS lớp 12 để lên phương án báo cáo UBND TP quyết định hình thức tổ chức kỳ thi quan trọng này.

Với 8 môn thi tự chọn và bắt buộc, việc lựa chọn năm nay với các thí sinh không còn bỡ ngỡ như năm đầu thực hiện. Bà Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, HS lớp 12 của trường đã định hướng từ sớm theo định hướng phân ban nên việc lựa chọn môn thi khá ổn định, không có đột biến trong việc đăng ký các môn tự chọn. HS chủ yếu đăng ký thi Địa lý để gỡ điểm, Lịch sử vẫn là một trong những môn ít được lựa chọn. Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) thống kê tạm thời nguyện vọng của thí sinh cho thấy, không có HS nào chọn thi môn Lịch sử; trường THPT Lương Thế Vinh cũng vậy.

Tham khảo ý kiến HS, khá nhiều em cho biết, chọn thi Địa lý dễ gỡ điểm cho các môn khác. Như ông Hoàng Châu Tuấn - Hiệu trưởng trường THPT Bất Bạt, lý giải, HS chọn thi môn Địa lý vì môn thi được thí sinh đánh giá là có khả năng đạt điểm cao với lợi thế được mang Át-lát vào phòng thi.