KTĐT - Sự tranh cãi là điều không tránh khỏi. Vấn đề là làm thế nào để có văn hóa trong tranh luận, có kỹ thuật an toàn để không quá đà đến mức phải nói chuyện bằng... chân tay.
Có người cho rằng, giao tiếp vợ chồng có ba giai đoạn. Đầu tiên là “Anh nói cho em nghe” - người đàn ông dùng những lời du dương nhất để chinh phục người yêu.
Giai đoạn tiếp theo là “Em nói cho anh nghe” - vợ bắt đầu ca thán những thói hư tật xấu của chồng bằng những lời “du dương” bất tận. Cuối cùng, là “hai người nói cho cả xóm nghe”. Chẳng ai “dập” được ai.
Những giai đoạn “khẩu chiến”
Nhiều cuộc khảo sát về tâm lý hôn nhân cho thấy, vợ chồng nhà ai cũng có tranh cãi, kể cả những đôi lứa hạnh phúc nhất. Bởi vì mỗi người có một cách sống, quan niệm khác nhau về mọi vấn đề. Nếu một cặp vợ chồng chẳng bao giờ tranh cãi điều gì, luôn luôn người này nói, người kia theo, chưa chắc đã hạnh phúc. Có khi, đó là một người chồng gia trưởng, coi mỗi lời nói của mình là mệnh lệnh, vợ con chỉ có phục tùng, bất kể đồng ý hay không. Vợ cãi lại chồng là mang tiếng hỗn láo. Nhưng ngày nay, trong các gia đình hiện đại, vợ chồng bình đẳng, nếu không tán thành có thể “nổ vách” ngay.
Theo dõi quan hệ của nhiều cặp vợ chồng trong một thời gian dài, người ta nhận thấy, có những giai đoạn cãi nhau “như cơm bữa”, cũng có những giai đoạn sóng yên biển lặng. Cao điểm thường là thời kỳ mới chung sống từ hai đến ba năm. Khi hào quang của tình yêu không còn rực rỡ, hai “tiểu vũ trụ” bắt đầu nhận ra họ có quá nhiều điểm khác nhau. Ở giai đoạn này, rất nhiều cuộc cãi vã nổ ra để khẳng định vị thế của mỗi người trong gia đình. Theo các thống kê, tỷ lệ ly hôn trong thời kỳ này khá cao.
Nhiều ý kiến cho rằng, qua được giai đoạn này là đến một thời kỳ êm ả. Một là, đã có kẻ thắng, người thua. Hai là, người trong cuộc dần nhận ra những cuộc tranh cãi là vô bổ, chẳng đi đến đâu và tự điều chỉnh cho bớt căng thẳng. Nhưng khoảng từ 10 đến 20 năm sau, thời kỳ xung đột thứ hai lại xuất hiện. Bởi vì, mỗi con người đều liên tục thay đổi trong suốt cuộc đời mình. Những ham mê, sở thích, cách nhìn đời của bạn cũng thay đổi. Nếu hai quá trình thay đổi không cùng một hướng, đến một ngày, bạn sẽ nhận ra, khoảng trống giữa mình và bạn đời đã quá lớn. Đó là những cặp chỉ chăm lo bản thân, mải mê những việc riêng. Tuy họ vẫn sống một nhà nhưng nếu có trò chuyện với nhau cũng chỉ quanh đề tài cơm ăn, nước uống, con cái, nhà cửa. Đến thời điểm này, tỷ lệ ly hôn cũng cao. Vượt qua được, họ có khả năng bền vững đến cuối đời. Và ở chặng đường cuối này, bên cạnh những cặp vợ chồng hòa hợp đến mức giống nhau một cách lạ lùng, là những cặp cãi nhau suốt ngày hoặc chán đến mức chẳng ai buồn nói nữa.
“Kỹ thuật” tranh cãi an toàn
Như vậy, sự tranh cãi là điều không tránh khỏi. Vấn đề là làm thế nào để có văn hóa trong tranh luận, có kỹ thuật an toàn để không quá đà đến mức phải nói chuyện bằng... chân tay. Các nhà nghiên cứu về đời sống gia đình đề xuất mấy quy tắc tranh cãi sau đây :
Trước hết, nên khoanh vùng phạm vi tranh cãi càng hẹp càng tốt. Nghĩa là nếu cãi nhau về cái gì thì chỉ nói về cái đó, không để “ngọn lửa chiến tranh” lan rộng ra các vấn đề khác. Càng không nên moi móc quá khứ, nhắc lại những sai lầm, kém cỏi từ ngày xửa ngày xưa để “tổng kết” “bản chất anh/em là thế”.
Không dùng lời lẽ xúc phạm nhau khi tranh cãi. Để thuyết phục người khác tin rằng họ sai, mình đúng, phải dùng lý lẽ sao cho dễ hiểu, dễ thông cảm bằng một thái độ hòa nhã chứ không phải những lời lẽ đao to búa lớn hay cay độc, xỏ xiên. Nhiều khi, sau một hồi lời qua tiếng lại, người ta quên mất bắt đầu cãi về cái gì mà chuyển sang cãi nhau về cái cách tranh cãi. Chẳng hạn: “Cô nói thế mà nghe được à?”. Hoặc: “Anh bỏ cái tay xuống! Ai cho anh quyền chỉ vào mặt tôi như vậy?” v.v...
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, khi tranh cãi với vợ/chồng không được “ăn thua”, không nên dồn đối phương vào chân tường. Bởi bạn thử nghĩ xem, cái giá của chiến thắng sẽ là gì? Có khi “thắng” đồng nghĩa với “bại”.
Có một đôi vợ chồng “khởi sự” cãi nhau từ việc người vợ lỡ tay đánh vỡ cái lọ hoa kỷ niệm. Người chồng gầm lên: “Thiệt là hậu đậu, làm ăn như thế hả?”. Người vợ giải thích về sự lỡ tay của mình, nhưng người chồng không chấp nhận. Không những thế, anh chồng còn liệt kê bản danh sách “hậu đậu” vợ gây từ năm ngoái, năm kia để kết luận: “Cô là kẻ chuyên phá hoại”. Người vợ chẳng vừa, lôi ra những “tội lỗi” trong quá khứ để chứng minh chồng cũng “phá hoại” không kém. Cuộc cãi nhau chuyển sang đề tài ai phá hoại, ai xây dựng cái gia đình này và cả hai cùng nhận công lao, tài giỏi về mình, gán cho đối phương những cụm từ “vô tích sự”, “ăn hại đái nát”.
Đã bao giờ bạn thử nhớ xem, vợ chồng bạn hay cãi nhau về vấn đề gì - để kịp thời có hướng điều chỉnh, nếu không “chuyện bé xé ra to” là “rách việc”.