Kỳ vọng giảm lãi vay dài hạn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong xu hướng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các nhóm lĩnh vực ưu tiên, nhiều DN kỳ vọng lãi suất cho vay trung - dài hạn cũng giảm theo để họ mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất.

Đồng loạt giảm lãi vay ngắn hạn
LienvietPostBank, DongA Bank, MB, VIB... và hàng loạt ngân hàng (NH) khác đã chủ động giảm lãi suất huy động sau hơn một tuần các NH thương mại quốc doanh có động thái này. Có NH giảm từ 0,1 - 0,2 điểm phần trăm như HDBank, SHB, nhưng cũng có NH giảm từ 0,3 - 0,5 điểm phần trăm như VIB, DongA Bank, LienvietPostBank, MB... Tuy nhiên, hầu hết các NH chỉ giảm lãi suất ở kỳ hạn ngắn.
Ông Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Thép Hải Trang, ở Sóc Sơn cho biết, Công ty đang vay mức lãi suất vay ngắn hạn khoảng 7%/năm là không quá cao. Nhưng thời gian qua, lãi suất cho vay trung - dài hạn không giảm mạnh như ở các kỳ hạn ngắn, vẫn ở ngưỡng cao 11%. Trong khi đó, DN muốn nâng sức cạnh tranh, cần đầu tư thêm máy móc, công nghệ, mở rộng quy mô thì phải vay trung - dài hạn.
 Giao dịch tại chi nhánh VPBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Theo ông Lê Hoàng Huynh - Giám đốc Công ty CP Nhất Nam, chuyên sản xuất nước mắm và kinh doanh vật liệu xây dựng, buôn bán hóa chất, Công ty đang vay hơn 3 tỷ đồng tại ACB, lãi suất trên 10%/năm. Công ty vay vốn liên tục trong 2 năm, nhưng ký hợp đồng thường chỉ dưới 6 tháng/lần. “Khi mới vay, chúng tôi cũng được hưởng mức lãi suất ưu đãi khá thấp, nhưng sau thời gian khuyến mại thì phải theo giá thị trường”. Lãi suất không ổn định nên rất khó cho DN tính toán hiệu quả để đầu tư lâu dài, mở rộng thị trường.
Đây cũng là nỗi niềm của phần lớn DN trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhiều NH đưa ra lãi suất cho vay ban đầu rất thấp nhưng chỉ cố định trong vòng 3 tháng đầu, sau đó được áp theo mức lãi suất huy động 12 hoặc 13 tháng cộng với biên độ do NH quy định, thay đổi 6 tháng hoặc 3 tháng một lần.
Doanh nghiệp trông chờ kỳ hạn dài
Ngoài vấn đề giảm lãi suất, các DN còn mong muốn được vay vốn nhiều hơn. Một DN vừa và nhỏ ở Nam Từ Liêm kiến nghị: “Vốn vay lưu động cần có thời gian ân hạn dài và cho vay dài hạn. Thứ hai, nếu vốn ưu đãi thì nên tín chấp nhiều hơn là thế chấp. Vì tất cả NH mời chúng tôi vay vốn nhưng không cho vay tín chấp. Chúng tôi muốn được tạo điều kiện vốn ưu đãi hơn”.
Ông Lý Thành Sinh - Tổng Giám đốc Công ty Minh Long Hưng cho hay: “Chúng tôi mong muốn được nâng hạng mức tín dụng dựa trên việc định giá tài sản theo thị trường. Cụ thể như với giá trị nhà xưởng của Công ty theo giá thị trường khoảng 1,2 triệu USD. Nhưng do các quy định của Nhà nước về giá đất trong giải tỏa đền bù nên NH định giá chỉ bằng 50% và sẽ cho vay bằng 70% giá trị mà NH định giá. Thế nên, muốn có nhiều vốn hơn cho việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh không được” - ông Sinh phản ánh...
Một số chuyên gia đánh giá, các vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa ổn định vững vàng, 90% DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa với năng lực tài chính còn hạn chế… Trong khi đó, lãnh đạo nhiều NH cũng thừa nhận việc giảm lãi suất chỉ có thể áp dụng với kỳ hạn ngắn và với một số lĩnh vực ưu tiên, bởi chênh lệch lãi suất mà các NH duy trì rất thấp, chỉ hơn 2%. Hơn nữa, suốt 5 năm tái cơ cấu hệ thống vừa qua, các NH đã phải lấy một phần lớn lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu, khiến năng lực tài chính suy giảm đáng kể.
Tuy nhiên, có một điểm tích cực là cơ cấu nguồn vốn tại các NH đã có sự thay đổi. Theo đó, nguồn vốn trung, dài hạn đã và đang có sự tăng trưởng tốt. “Khách hàng đã quyết định lựa chọn thay đổi kỳ hạn dài hơn để được hưởng mức lãi suất cao hơn tại NH đang gửi tiền, thay vì tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh khác. Lãi suất huy động có cơ sở giảm thêm thì các NH tiếp tục cân đối lại lãi suất cho vay trung dài hạn” - chuyên gia Cấn Văn Lực nhận xét.
Theo thống kê của NH Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay tuần qua phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn, cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 -11%/năm đối với trung và dài hạn.