Kỳ vọng kinh tế Việt Nam vững vàng trước sóng gió

Trâm Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam vẫn đang thực hiện tốt mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và duy trì sản xuất kinh doanh. Kinh tế Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng khá trong năm 2021 do tăng trưởng GDP 2021 dựa trên mức nền tăng trưởng GDP năm 2020 thấp. Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực trao đổi với Kinh tế & Đô thị.

Nhiều khó khăn, thách thức

Ông nhận xét gì về kết quả kinh tế 5 tháng vừa được Tổng cục Thống kê công bố và có những điểm gì cần chú ý?

- Về cơ bản chúng ta đang thực hiện tốt mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và duy trì sản xuất kinh doanh: Xuất, nhập khẩu tăng trưởng rất tích cực; vẫn kiểm soát tốt lạm phát trong bối cảnh giá cả hàng hóa, áp lực lạm phát toàn cầu tăng; thu thút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tốt, cả vốn đăng ký và giải ngân đều tích cực; các vấn đề như tỷ giá, lãi suất về cơ bản vẫn tương đối ổn định.

Tuy vậy, vẫn có những điểm khó khăn, hạn chế. Thứ nhất dịch vụ tiêu dùng doanh số bán lẻ hàng hóa tháng 5 lại giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước chứng tỏ sức cầu của nền kinh tế còn rất yếu. Đợt bùng phát dịch Covid-19 đã khiến người dân thận trọng trong chi tiêu tăng lên. Thứ hai là sản xuất công nghiệp hết 5 tháng có tăng 9,9% so với cùng kỳ nhưng nên nhớ ta đang so sánh với mức nền rất thấp của năm 2020 (5 tháng của năm 2020 rất thấp, gần như đóng băng do giãn cách xã hội).
Tiến sĩ Cấn Văn Lực.
Bên cạnh đó, mức tăng của tháng 5/2021 so với cùng kỳ năm trước thấp hơn rất nhiều. Trong khi trước đó tháng 4/2021 so với cùng kỳ 4/2020 tăng 24%. Do đó, tôi cho rằng sản xuất công nghiệp đang bắt đầu chậm lại. Thực tế Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam giảm xuống 53,1 điểm trong tháng 5/2021, từ mức 54,7 điểm của tháng trước đó… (PMI ngành sản xuất tại Việt Nam dựa theo dữ liệu khảo sát hàng tháng được gửi đến các nhà quản trị mua hàng của hơn 400 DN ngành công nghiệp).

Giải ngân đầu tư công có tăng nhưng có dấu hiệu chững lại, một phần do dịch bệnh và một phần do giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng, khiến cho nhiều dự án đầu tư công phải điều chỉnh tổng mức đầu tư làm tăng thời gian. Cuối cùng là hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn do số DN đang hoạt tăng 22 - 23% nhưng DN giải thể lại tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Áp lực của Việt Nam là phải tăng trưởng khoảng 6 - 6,5% trong bối cảnh vẫn phải ứng phó với những bất ổn toàn cầu và dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Chúng ta phải làm gì để Việt Nam tăng trưởng và vượt qua khó khăn đạt mục tiêu kép?

- Việt Nam vẫn kiên trì và nhất quán thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh tiến độ có và tiêm vaccine là vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Chính phủ nên nghiên cứu các gói và các giải pháp hỗ trợ khác với DN. Ngoài Nghị định số 52/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về giãn hoãn thuế, Thông tư 03/TT-NHNN ngày 2/4/2021 của Ngân hàng Nhà nước về giãn, hoãn nợ thì cần nghiên cứu, tính toán thêm chi cho phòng chống dịch, tiêm vaccine thế nào và chi cho người dân, công nhân trong khu công nghiệp.

Cần phải tìm một số động lực thay thế bù đắp cho những suy giảm trong thời gian qua. Ví dụ phải đẩy mạnh hơn đầu tư công và hết sức quyết liệt trong giải ngân vốn. Phải có môi trường đầu tư tốt để vừa thu hút thúc đẩy đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để bù đắp chuỗi cung ứng đang bị giảm. Bên cạnh phát huy vai trò các tập đoàn kinh tế Nhà nước, cần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng phát triển lâu dài. Nghiên cứu thúc đẩy thị trường nội địa khuyến khích người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam. Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, để DN và các doanh nhân dám tự tin sáng tạo, đầu tư. Số hóa triệt để thủ tục, loại bỏ giấy tờ và sử dụng phi giấy, minh bạch hóa quy trình…

Các giải pháp quan trọng

Theo ông, những yếu tố nào quan trọng nhất sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong 2021? Đầu tư công, tăng cường xuất khẩu hay tiêu dùng…?

- Xuất khẩu là cứu tinh của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Chúng ta là nền kinh tế mở, có thị trường xuất khẩu đa dạng cần tận dụng khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại. Đầu tư công hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn và là động lực quan trọng thu hút và lan tỏa đến các ngành liên quan góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Với mục tiêu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để phục hồi tốc độ tăng trưởng, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp quyết liệt thông qua nhiều văn bản chỉ đạo sát sao. Điều quan trọng nữa Việt Nam vẫn hấp thụ được dòng vốn nước ngoài. Việt Nam nên xây dựng một kế hoạch phát triển chiến lược, trong đó có sự kết nối tốt với các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.

Thị trường nội địa của Việt Nam vẫn tiềm năng, tiêu dùng nội địa sẽ phục hồi trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Tập trung hỗ trợ phát triển thị trường trong nước. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách kích cầu tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước… Và đặc biệt động lực tăng trưởng mới là kinh tế số, đây là động lực hết sức quan trọng… Phát triển mạnh hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển kinh tế số, các kênh phân phối điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt vừa hỗ trợ kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng cường phân phối hàng hóa kịp thời, giảm chi phí cho DN.

Ngoài ra còn một số hoạt động tái cấu trúc kinh tế như: Cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó rất nhiều luật mới có hiệu lực từ năm 2021 như Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Chứng khoán, Luật Hợp tác công tư (PPP), Luật Bảo vệ môi trường…

Ông nghĩ sao về quan điểm tăng trưởng dựa vào các đầu tàu kinh tế và các cực tăng trưởng (vùng kinh tế trọng điểm)?

- Báo cáo của Bộ KH&ĐT, cứ 1% tăng trưởng của 4 vùng kinh tế trọng điểm sẽ làm GDP của toàn bộ nền kinh tế tăng 0,61%. Ưu tiên hiệu quả sử dụng nguồn lực, phân bổ nguồn lực đầu tư thích đáng cho các vùng kinh tế trọng điểm, nhất là các địa phương có vai trò “đầu tàu”, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của cả nước… Về phía các địa phương, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của các đầu tàu kinh tế sẽ thay đổi, sẽ dành để đón đại bàng, đón các nhà đầu tư sở hữu công nghệ nguồn… thay đổi về đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực phải được thúc đẩy mạnh mẽ. Các địa phương tính toán kế hoạch phát triển trên cơ sở phát huy hiệu quả thế mạnh của mình, tận dụng lợi thế của các địa phương khác trong mối liên kết vùng.

Giá cả hàng hóa trên thế giới tăng gây áp lực lạm phát. Vậy làm thế nào để giảm được nguy cơ trên thưa ông?

- Không được chủ quan với lạm phát vì áp lực tăng thể hiện khá rõ, tuy nhiên ta cũng không nên quá chặt chẽ đến mức bóp nghẹt gây khó khăn cho phục hồi kinh tế. Gắn quan điểm điều hành, kiểm soát lạm phát với yêu cầu phục hồi, tăng trưởng kinh tế cả ngắn hạn và trung - dài hạn để ứng xử phù hợp; chú trọng thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ (đúng, trúng, hiệu quả) và tăng cường phối hợp liều lượng, thời điểm điều tiết thị trường. Tiếp tục nắn dòng tiền vào những lĩnh vực có tính lan tỏa cao. Phải tìm ra phương án tối ưu là phối hợp tốt chính sách tiền tệ với tài khóa và chính sách giá cả. Giả sử có điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý phải hết sức cẩn trọng. Phải đảm bảo lưu thông hàng hóa để không bị tắc nghẽn dẫn tới té nước theo mưa, tăng giá hàng hóa tạo khan hiếm ảo. Cắt giảm chi phí logistics…

Bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, tôi cho rằng CPI bình quân 6 tháng đầu năm của Việt Nam sẽ tăng 1,85 - 2% so với cùng kỳ 2020 và CPI bình quân cả năm 2021 tăng khoảng 3,4 - 3,6% so với năm 2020 vẫn nằm trong mục tiêu kiểm soát.

Nói về gói hỗ trợ Bộ KH&ĐT đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát, trình Chính phủ phương án thực hiện gói hỗ trợ đại dịch Covid-19 thứ hai. Vậy theo ông gói hỗ trợ lần này cần triển khai ra sao để mang lại hiệu quả?

- Việc tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ là cần thiết và sớm có gói hỗ trợ đợt 2 để giúp DN và người dân vượt khó. Rút kinh nghiệm năm ngoái cần thiết kế gói hỗ trợ cho phù hợp hơn. Cần rà soát, điều chỉnh các gói hỗ trợ hiện tại. Rà soát các đối tượng để đảm bảo nguồn hỗ trợ tới đúng, trúng đối tượng; và quy trình thủ tục nhanh gọn hơn để chính sách khả thi. Và quan trọng bản thân DN cũng đồng hành cùng Chính phủ, chủ động vượt khó, chuyển đổi hình thức kinh doanh, quản trị hiệu quả, không ngừng đổi mới chất lượng để thu hút khách hàng.

Xin cảm ơn ông!

"Xuất khẩu là cứu tinh của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Chúng ta là nền kinh tế mở, có thị trường xuất khẩu đa dạng cần tận dụng khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại. Đầu tư công hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn và là động lực quan trọng thu hút và lan tỏa đến các ngành liên quan góp phần thúc đẩy tăng trưởng." - TS Cấn Văn Lực