Ngay cả khi những dấu hiệu suy thoái đầu tiên bắt đầu xuất hiện ở những nền kinh tế lớn là Italia và Pháp, các nhà hoạch định chính sách tại đây vẫn chủ quan cho rằng, đó chỉ là hiệu ứng domino của cắt giảm chi tiêu. Bên cạnh các cuộc biểu tình, bãi công trên khắp châu Âu để phản đối tăng thuế, giảm lương…, chính sách chi tiêu khắc khổ còn đẩy Eurozone phải đối mặt với “thập kỷ mất mát” khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ có lúc đã chạm ngưỡng 30%. Vậy là 4 năm sau “cơn bão” nợ công càn quét qua lục địa già, châu lục này lại phải đối diện nguy cơ suy thoái, đe dọa phá hủy những thành tựu kinh tế - xã hội mà Khối thịnh vượng chung đã nỗ lực xây dựng suốt nhiều năm qua. Diễn ra trong bối cảnh đầy thử thách đó, Hội nghị của các bộ trưởng tài chính Eurozone kết thúc hôm 14/10 (theo giờ Việt Nam) đã nêu bật tầm quan trọng của đầu tư như một giải pháp để đưa kinh tế khu vực tiếp tục tiến bước. Đây không phải là lần đầu tiên quan chức tài chính Eurozone có được nhận thức chung và thống nhất đưa ra tuyên bố về tăng cường đầu tư. Nhưng trong lúc các biện pháp nới lỏng chi tiêu vẫn bị trói buộc bởi những quy định ngặt nghèo, nhiều chuyên gia lo ngại, lời kêu gọi các nước thành viên rót ngân sách cho đầu tư công là chưa đủ bởi đặc thù riêng của từng quốc gia. Pháp và Italia còn bị cảnh báo phải thận trọng khi đưa ra quyết định chi tiêu vì nợ công đang tiến đến ngưỡng mất an toàn. Trong lúc các quan chức tài chính Eurozone vẫn đang tìm kiếm một giải pháp chung để thúc đẩy đầu tư, đưa nền kinh tế khu vực thoát khỏi tình trạng tăng trưởng trì trệ, các nước thành viên đã chủ động thực hiện việc cắt giảm thuế để kích thích chi tiêu, đầu tư. Chính phủ Italia hôm 15/10 đã công bố gói cắt giảm thuế, ưu đãi cho doanh nghiệp lên tới 30 tỷ Euro, nối dài danh sách miễn giảm thuế mà Anh, Áo đã thực hiện. Ngay cả con nợ lớn nhất châu Âu là Hy Lạp, hồi tháng trước đã lần đầu tiên công bố gói cắt giảm thuế sau 4 năm “thắt lưng buộc bụng”.