Kỳ vọng vào chuỗi dữ liệu kinh tế khả quan, giá dầu tiếp tục tăng gần 2%

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ WTI lần lượt tăng 1,7% và 0,7% trong phiên 6/7 sau đà leo dốc 4,3% trong tuần trước.

Giá dầu mỏ tiếp tục đi lên nhờ được hỗ trợ bởi nguồn cung thắt chặt hơn và nhiều dữ liệu cho thấy đà phục hồi kinh tế trên toàn cầu đang diễn ra bất chấp tỷ lệ tăng đột biến các ca nhiễm Covid-19 mới tại Mỹ và một số nước.
Cụ thể, giá dầu Brent cộng thêm 73 xu Mỹ, tương đương 1,7%, lên 43,53 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng nhích 28 xu Mỹ, tương đương 0,7%, giao dịch ở mức 40,93 USD/thùng.
 Giá dầu tiếp tục tăng gần 2% trong phiên 6/7.
Theo số liệu từ trường Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 6/7, Mỹ ghi nhận thêm 39.379 ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 2.876.143 người.
Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang ngày càng tăng tại 39 bang của Mỹ. Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy chỉ trong 4 ngày đầu tháng 7 này, 15 bang tại Mỹ đã báo cáo số ca mắc mới Covid-19 cao kỷ lục cùng với các buổi liên hoan diễn ra trong đợt nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ cuối tuần qua có thể dẫn tới một đợt bùng phát khác.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại ngân hàng ING cho biết, tính cho đến hiện tại, dữ liệu tại một số TP tại các bang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chưa cho thấy dấu hiệu dòng người tham gia giao thông suy giảm.
Tâm lý trên thị trường cũng tích cực khi các nhà đầu tư đón nhận một loạt các thông tin kinh tế tích cực, tính hiệu dự báo kinh tế toàn cầu sớm phục hồi.
Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi trong khi thị trường đang thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện cho đà phục hồi sau khủng hoảng dịch Covid-19, bài viết trên tạp chí Chứng khoán Trung Quốc đăng ngày 6/7 nêu rõ.
Các thương nhân cũng tập trung vào báo cáo hoạt động phi sản xuất của Mỹ, các đơn đặt hàng công nghiệp của Đức trong tháng 5 và doanh số bán lẻ của khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Lượng đơn đặt hàng đối với hàng công nghiệp Đức tăng 10,4% trong tháng 5. Mức tăng trưởng này yếu hơn so với dự đoán của Reuters là 15%. Đây là mức tăng trưởng mạnh mẽ sau mức giảm nghiêm trọng nhất kể từ năm 1991 tại tháng 4, khi nhu cầu tăng dần và các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 được dỡ bỏ.
Giá “vàng đen” đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần cũng nhờ thông tin nguồn cung ngày càng được thắt chặt hơn.
Tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn sau báo cáo cho biết sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên, trong đó sản lượng dầu mỏ của Nga đã giảm xuống gần mức cắt giảm mục tiêu.
OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là OPEC+, hồi tháng 4 đã cam kết cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày trong ba tháng, đến tháng 7/2020. Sau tháng 7/2020, thỏa thuận cắt giảm này dự kiến sẽ giảm xuống 7,7 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12/2020.
Nhà phân tích Eugen Weinberg của Commerzbank nhận xét: “Trong khi nhu cầu đang chịu tác động từ đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai, việc các nước OPEC+ tuân thủ chặt thỏa thuận giảm cung đã tạo lực đẩy giá dầu”.
Bên cạnh đó, sản lượng dầu của Mỹ cũng sụt giảm. Số giàn khoan dầu của Mỹ giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tuần thứ 9 liên tiếp, dù đà giảm chậm lại do giá dầu cao hơn khuyến khích một số nhà sản xuất tái khởi động hoạt động khai thác./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần