Kỳ vọng vào gói kích thích gần 500 tỷ USD của Mỹ, chứng khoán thế giới tăng mạnh

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số trên sàn Phố Wall cũng như thị trường cổ phiếu châu Á cùng đi lên sau khi Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua gói cứu trợ mới trị giá gần 500 tỷ USD dành cho DN nhỏ.

Chứng khoán châu Á khởi sắc
Thị trường cổ phiếu châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 23/4 nhờ kỳ vọng vào gói kich thích kinh tế mới của Quốc hội Mỹ và đà phục hồi trở lại của giá dầu thô, thắp hy vọng cho nhà đầu tư.
Chứng khoán châu Á khởi sắc trong phiên 23/4.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á Thái Bình Dương, không tính thị trường Nhật Bản đã phục hồi mạnh từ mức đáy 2 tuần, tăng 0,5% lên mức 460,43 điểm.
Tại thị trường Australia, chỉ số S&P/ASX cũng leo dốc 0,4%. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán của Trung Quốc nhích 0,3%. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản cũng tăng 0,8%.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng thị trường cổ phiếu nhận được sự hỗ trợ trong phiên giao dịch nhờ báo cáo lợi nhuận của các DN Mỹ tốt hơn dự đoán, mặc dù tâm lý hứng khởi của giới đầu tư vẫn còn mong manh trước nỗi lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu do tác động của đại dịch Covid-19.
“Đà phục hồi gần đây trên thị trường chứng khoán là nhờ báo cáo kết quả kinh doanh khả quan của các công ty công nghệ lớn”, Seema Shah, chiến lược gia trưởng tại Principal Global Investors nhận xét.
Theo chuyên gia Shah, thị trường cổ phiếu vẫn có thể tiếp tục đi lên nhờ  được hỗ trợ từ các gói kích thích kinh tế lớn của các nước nhằm hạn chế tác động từ dịch bệnh Covid-19.
Chứng khoán châu Âu cũng khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 23/4 nhờ giá dầu thô hồi phục và kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế vừa được thông qua để vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Trong phiên giao dịch ngày 23/4, giá dầu Brent tăng hơn 3% lên 21,09 USD/thùng nhờ kỳ vọng các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới tiếp tục giảm thêm sản lượng để hạn chế tình trạng dư cung nhiên liệu toàn cầu. Nhờ đà phục hồi của giá dầu, chỉ số S&P năng lượng tăng 3,6%. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng nhích 3,3% lên mức 14,22 USD/thùng.
Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá đồng USD so với yen Nhật đi ngang, hiện ở mức 1 USD đổi được 107,72.  Tỷ giá đồng euro giảm so với đồng bạc xanh, với tỷ lệ 1 euro đổi được 1,08 USD, trong khi bảng Anh hầu như không thay đổi hiện ở mức 1 bàng Anh “ăn” 1,2330 USD.
Phố Wall có phiên tăng đầu tiên trong 3 phiên
Sau 2 phiên lao dốc theo đà sụp đổ của giá dầu, thị trường Phố Wall quay đầu đi lên trong phiên ngày 22/4 khi giá dầu thô hồi phục và Thượng viện Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế gần 500 tỷ USD, giúp các doanh nghiệp nhỏ thoát khỏi khủng hoảng của đại dịch Covid-19.
Chốt phiên giao dịch ngày 22/4, chỉ số Dow Jones tăng 456,94 điểm, tương đương 1,99%, lên 23.475,82 điểm. S&P 500 tăng 62,75 điểm, tương đương 2,29%, lên 2.799,31 điểm. Nasdaq tăng 232,15 điểm, tương đương 2,81%, lên 8.495,38 điểm.
11 lĩnh vực trong S&P 500 đều tăng điểm sau khi Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua gói cứu trợ mới trị giá 484 tỷ USD dành cho DN nhỏ. Hạ viện Mỹ dự kiến cũng thông qua trong ngày 23/4.
 Chứng khoán Mỹ phục hồi trong ngày 22/4 sau 2 phiên giảm liên tiếp.
“Thời gian tung các gói kích thích ngắn hơn so với hồi năm 2008. Việc loại bỏ “rủi ro đuôi’ (tức các rủi ro có xác suất cực nhỏ) giúp ngăn đà đi xuống của Phố Wall và cho phép thị trường đánh giá chính xác hơn”, Anik Sen, giám đốc chứng khoán toàn cầu tại PineBridge Investment, New York, nhận định.
Chỉ số S&P 500 hiện thấp hơn 17% so với đỉnh kỷ lục hồi tháng 2 trong bối cảnh chỉ thị giãn cách xã hội được thực thi tại nhiều bang dẫn đến hàng loạt người mất việc làm, niềm tin tiêu dùng suy giảm, đẩy một số ngành đến bờ vực sụp đổ.
Ước tính lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 18/4 là 5,5 triệu, số liệu danh nghĩa về hoạt động nhà máy tại Mỹ trong tháng 4 được dự báo giảm xuống thấp hơn cả trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hai số liệu này sẽ được công bố trong ngày 23/4.
Giới phân tích đã hạ đáng kể lợi nhuận kỳ vọng của các công ty thuộc S&P 500 trong quý I và II, dự báo doanh nghiệp suy thoái trong năm 2020. Trong khi đó, ngành ngân hàng dự báo kết quả kinh doanh không khả quan trong năm nay. Tuy nhiên, các công ty tiêu dùng và công nghệ lại có triển vọng tươi sáng hơn nhờ chỉ thị giãn cách xã hội giúp tăng mạnh nhu cầu đối với các dịch vụ trực tuyến.
“Nhà đầu tư cũng sẽ chú ý đến cách phân bổ vốn của các công ty. Các DN cần có tiền mặt để duy trì hoạt động và thoát khó khăn”, Richard Perez - giám đốc danh mục đầu tư cao cấp của Boston Wealth Wealth tại Miami cho biết.
Các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước diễn biến của đại dịch Covid-19 và thiệt hại tiềm ẩn đối với kinh tế toàn cầu.
“Nếu lạc quan, bạn tin rằng kinh tế phục hồi vào giữa tháng 5. Nếu bi quan, bạn có thể dự đoán đến tháng 10. Đó là khác biệt lớn”, Mike Zigmont - trưởng bộ phận giao dịch của Harvest Volatility Management tại New York, cho biết.
Ben Philips, giám đốc đầu tư tại EventShares ETF, cảnh báo rằng nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn chưa phục hồi, điều này cho thấy kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 22/4 là 10,3 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 13 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch trước đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần