Đơn giản lắm, tôi mong mình có cơ hội được nhìn, được nghe cách thức làm việc ở một môi trường mới. Sản phẩm để trả bài ư? Hơi khó nói vì thời gian còn xa. Nhưng hiện tôi đang nghĩ đến một chương trình dành cho bạn nhỏ ở lứa tuổi học sinh lớp 6- lớp 9. Là một format có kết cấu khá đầy đủ (chỉ chưa dám nói về độ hấp dẫn hay không thôi). Tôi mong mình sẽ được thực hiện nó, trực tiếp và đúng như những gì mình mong muốn.
Người nhạc sĩ, họa sĩ ghi dấu ấn bằng những bản nhạc, những bức tranh để đời, vậy với một đạo diễn chương trình như anh thì dấu ấn đấy sẽ là gì ?
Tôi không dám nghĩ tới việc mình “để đời” điều gì. Tôi hay làm việc với các bạn trẻ, thì có vẻ thôi, chứ so sánh với các bậc đàn anh, các cô chú, các anh chị, tôi vẫn phải học hỏi nhiều lắm. Tôi đang làm công việc mình yêu thích. Và chỉ mong rằng tự bản thân mình nhận thấy mình xứng đáng với công việc đó. À, nếu có thêm gia đình, và vài người bạn thân đồng ý với điều đó là điều tuyệt vời nhất.
Ai là triệu phú, chương trình anh làm đạo diễn vừa có format mới, vậy còn Đồ Rê Mí, “thương hiệu” của Lại Bắc Hải Đăng cũng đến lúc cần một chiếc áo mới khi sắp bước vào năm thứ 5?
Trước hết, xin bạn đừng dùng cụm từ “thương hiệu”. Tôi không dám nhận, và thực sự xấu hổ vì nó đấy. Vấn đề lớn nhất của tôi là tôi đã xác định tạm dừng công việc cho học tập. Các đồng nghiệp của tôi đang làm Đồ Rê Mí năm thứ 4 và tôi tin họ sẽ tiếp tục làm tốt năm thứ 5. Cụ thể thì chính họ mới có câu trả lời.
Năm sau là Chương trình Đồ Rê Mí tròn 5 tuổi, một dấu mốc đáng nhớ của “Sao mai điểm hẹn” phiên bản thiếu nhi, đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng đã có ý tưởng gì chưa?
Chắc chắn là có chứ. Nhưng tôi vẫn chỉ là cố vấn của chương trình thôi. Nên không dám nói trước về chương trình đặc biệt này! Thực sự là tôi đang rất tiếc vì một năm không được làm Đồ Rê Mí, và còn một năm nữa, một mốc đặc biệt tôi cũng sẽ không được làm Đồ Rê Mí.
Đồ Rê Mí vẫn được coi là một phiên bản “nhí” của Sao mai điểm hẹn, đây liệu có phải là một sự copy?
Như đã trình bày ở trên, khi xây dựng chương trình, tôi không có ý định tổ chức một cuộc thi tìm kiếm giọng ca xuất sắc ở lứa tuổi thiếu nhi. Tôi muốn tạo một sân khấu cho các bé thể hiện sự tự tin, khả năng độc lập tư duy trước đám đông và hòa mình vào một bầu không khí nghệ thuật tổng hợp. Ở đó có hát, múa, kịch, thậm chí là thể thao, nặn gốm, thiết kế thời trang… Tôi chỉ sử dụng cái vỏ một cuộc thi hát để giúp các bé tự khám phá và chứng tỏ bản thân mình.
Mô hình mà tôi ao ước, và tôi rất mong có thể thực hiện được, đó là một Micky Club của Disney tại Việt Nam. Đó sẽ là nơi các bé thể hiện khả năng hát, nói, diễn kịch, dẫn chương trình, thậm chí là đóng phim, chơi nhạc cụ… Tuy nhiên, năm nay tiêu chí cuộc thi được đặt ra có lẽ đã khác biệt đôi chút. Nhưng kể cả trong trường hợp này, tôi không nghĩ đó là sự “copy”. Bản thân nghĩa của từ “copy” phải là một thứ y như đúc. Ở Đồ Rê Mí có cái chất mà không chương trình nào có, cũng chẳng thể “copy”từ đâu: đó là sự trong sáng, ngây thơ và đáng yêu.