Nhiều ý kiến cho rằng, khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay của các NH vẫn cách xa nhau. Nếu chỉ tính riêng huy động rồi cho vay, NH đã lãi lớn. Hiểu như vậy có đúng không, thưa ông?
- Chúng ta không thể làm phép trừ số học đơn thuần như vậy. Vì NH có rất nhiều chi phí: Chi phí thiết kế sản phẩm, quảng bá, lương nhân viên… đặc biệt là chi phí cho khoản dự phòng rủi ro. Kết quả tài chính đánh giá từ 102 đơn vị có lãi của ngành NH cho thấy, lợi nhuận giảm mạnh trên 30% so với năm 2011 và có 22 đơn vị thua lỗ. Chúng tôi cho rằng thua lỗ là điều tất yếu khi kinh tế khó khăn. Cho nên, vấn đề cần bàn thảo hiện nay là tìm ra được các giải pháp tháo gỡ khó khăn để DN có thể phục hồi sản xuất, để dòng chảy tín dụng có thể tiếp tục chảy ra nền kinh tế thay vì bàn cãi vấn đề là thu lãi từ nền kinh tế bao nhiêu hay ngược lại.
Tôi cũng xin thú thực, hệ số vay nợ của DN với các chủ nợ rất lớn. DNNN theo công bố của Bộ Tài chính có hệ số vay nợ khoảng 1,81%, tức là có 1 đồng vốn thì đi vay 1,81 đồng. DN ngoài quốc doanh có hệ số vay nợ là khoảng 2,15%. Nhìn vào đó để thấy, khi đã dùng vốn vay lớn, thì chi phí trả lãi tất yếu phải tăng lên và sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Về phía NH cũng cần tích cực hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn: Giảm lãi suất, điều chỉnh lãi suất tiền vay hướng đến các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, các DN phải tái cơ cấu mạnh mẽ.
Lãi suất đã giảm mạnh nhưng DN vẫn than không tiếp cận được vốn. Có vẻ như "cây gậy" lãi suất đã không còn nhiều tác dụng trong điều kiện hiện tại?
- Lãi suất không phải là yếu tố quyết định tín dụng có ra được hay không, mà là năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế. Nhìn lại những năm trước đây, lãi suất cao hơn rất nhiều. Ví dụ, năm 2008 - 2009, lãi suất cao, nhưng tín dụng vẫn ra được. Vì lúc đó, nhu cầu của thị trường, tổng cầu của thị trường rất tốt. Các DN vẫn nhìn thấy phương án làm ăn nên họ sẵn sàng vay vốn bởi họ tính toán quay vòng vốn nhanh sẽ trả lãi suất thấp hơn, vẫn hiệu quả, có thể vay được. Đây là gốc của vấn đề. Còn hiện nay, DN chưa có niềm tin, họ chưa thấy tương lai sáng sủa.
Xu hướng giảm lãi suất huy động về dưới mức 7,5% đang diễn ra. Lãi suất đi xuống, thì làm sao giữ được sự hấp dẫn của đồng Việt Nam, thưa ông?
- Cái này Thống đốc đã cam kết rõ ràng: Biên độ tăng giảm của tỷ giá năm 2013 là +-2%. Thông điệp trước đây là 3%. Việc điều hành ổn định tỷ giá như vậy vừa là giải pháp chống đô la hóa vừa củng cố niềm tin của công chúng vào đồng Việt Nam. Điểm nữa là mặt bằng lãi suất luôn có chênh lệch cao hơn so với lãi suất USD khoảng 4,5 - 5%. Rõ ràng, giữa hai đồng tiền như vậy, đồng nội tệ vẫn có sức hấp dẫn hơn.
Xin cảm ơn ông!