“Cọc đi tìm trâu”
Đó là cách ví von mối quan hệ tín dụng của ngân hàng và doanh nghiệp (DN) hiện nay của một lãnh đạo Ngân hàng TMCP. "Nếu ví ngân hàng là cọc và DN là trâu thì chúng tôi đang trong cảnh "cọc đi tìm trâu". Bởi, ngân hàng đang phải chủ động năn nỉ khách hàng vay vốn" - ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Thường trực LienvietPost Bank nói. Ông Hưởng cho rằng, trên thị trường, hiện có ba loại "trâu". Loại thứ nhất đi tìm cọc nào tốt để gửi tiền, loại 2 xem xét cọc có "chơi" được không (tức lãi suất theo mức DN yêu cầu). Loại thứ ba là giá nào cũng vay, vay xong rồi xin hạ lãi suất.
Bên cạnh chủ động tìm DN để cho vay, cuối tuần qua, một số ngân hàng lớn cũng khẳng định sẽ giảm lãi suất các khoản vay cũ về 13%/năm. Từ hôm nay (13/5), ngân hàng BIDV sẽ giảm lãi suất cho vay về mức lãi suất 13%/năm đối với các khoản vay có số dư nợ đến cuối ngày 12/5/2013 có lãi suất vay cao hơn 13%/năm. Từ 13/5, tất cả dư nợ có lãi suất trên 13%/năm tại Vietcombank sẽ được kéo xuống 13%. Không những thế, ngân hàng này còn tiếp tục cân nhắc giảm lãi suất trong thời gian tới. Tương tự, Agribank, Vietinbank cũng cho biết, sẽ kéo giảm lãi suất tất cả khoản vay cũ xuống mức cao nhất là 13%/năm.
Giảm lãi suất điều hành vẫn khó kích cầu tăng trưởng tín dụng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh HDbank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải.
Lãi suất đã giảm và sẽ tiếp tục giảm, tuy nhiên, lãnh đạo cơ quan chức năng, nhiều ngân hàng và một số tổ chức tài chính quốc tế đều đánh giá, việc giảm lãi suất sẽ không tác động nhiều đến tín dụng vì sức cầu nền kinh tế vẫn yếu và nợ xấu vẫn là hòn đá cản đường sự lưu thông của "con tàu" tín dụng.
Phân tích của ngân hàng HSBC cho thấy, nhờ lạm phát chậm lại, NHNN đã có thể giảm lãi suất chính sách nhưng tăng trưởng tín dụng trì trệ ở Việt Nam không phải do cung mà do cầu. Do đó, HSBC cho rằng, động thái này sẽ không có tác động kích thích mạnh đối với tăng trưởng tín dụng.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN) Phạm Xuân Hòe cũng thừa nhận, lãi suất giảm tác dụng không đáng kể đến tăng trưởng tín dụng. Tổng cầu của nền kinh tế hiện vẫn tiếp tục ở mức thấp, thậm chí suy giảm là nguyên nhân chính khiến tín dụng sụt giảm chứ không phải là lãi suất.
Nợ xấu vẫn “cản đường”tín dụng
Hiện, hệ số vay nợ của DN Việt Nam quá lớn. Theo công bố của Bộ Tài chính, hệ số vay nợ của DN Nhà nước (DNNN) là 1,81%, tức là có 1 đồng vốn tự có, thì đi vay 1,81 đồng. DN ngoài quốc doanh có hệ số vay nợ là 2,15% trong khi hệ số này ở DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ là 1,1. Con số này cho thấy, khi đã dùng vốn vay lớn, chi phí trả lãi tất nhiên tăng lên và điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DN. "Bởi vậy, ngân hàng phải tích cực giảm lãi suất, hướng dòng vốn vay đến các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, các DN cũng phải đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ, nhất là tái cơ cấu quản trị tài chính, làm sao hướng đến các nguồn vốn rẻ hơn" - đại diện NHNN cho biết.
Bên cạnh đó, vấn đề tăng trưởng tín dụng trì trệ ở Việt Nam không phải do cung mà do cầu. Để có thể nâng cầu tín dụng đang trì trệ lên, NHNN cần khôi phục lòng tin và giải quyết vấn đề nợ xấu. Theo các chuyên gia HSBC, với việc nền kinh tế đang ở trong giai đoạn cắt giảm nợ vay và thị trường tài chính đang đóng băng, chỉ có những cải cách mạnh mẽ mới có thể thực sự thay đổi tình hình nền kinh tế trong ngắn hạn. Trước hết là việc cần nhanh chóng thành lập công ty quản lý tài sản (VAMC). Công ty này sẽ nhanh chóng gom nợ xấu vào một chỗ, từ đó ngân hàng mới cho vay được. Một số ý kiến cho rằng, với các công trình, dự án trọng điểm Quốc gia, Chính phủ cần đứng ra bảo lãnh hoặc cam kết VAMC sẽ mua lại cả gốc và lãi nếu những khoản vay này gặp khó khăn thì ngân hàng mới mạnh dạn giải ngân.
Các kế hoạch cụ thể, chắc chắn để cải cách lĩnh vực ngân hàng, khu vực Nhà nước cũng như đầu tư công đặt ra yêu cầu hết sức cấp thiết để củng cố cam kết của Chính phủ đối với ưu tiên phát triển bền vững.