Nguồn tin từ ngân hàng Phương Đông (OCB) xác nhận, lãi suất huy động chứng chỉ vàng ngắn hạn tại nhà băng này cho các kỳ hạn 3, 6, 9 và 11 đã lên cao nhất 3,2% một năm. Thực tế, chương trình huy động lãi suất cao này đã triển khai được gần 2 tháng nay, từ 3/10 đến hết 30/11. Đối với các kỳ hạn 1 và 2 tháng, lãi suất cao nhất là 3% một năm. “Mức lãi này áp dụng với số vàng gửi từ 1 chỉ trở lên. OCB có thể kết thúc sớm chương trình, nếu huy động đủ 50.000 chỉ vàng”, nhân viên nhà băng này cho biết.
Khi thông tin Ngân hàng Nhà nước cho phép một số nhà băng được chuyển đổi một phần vàng tiền đồng, nhiều đơn vị bắt đầu nâng lãi suất huy động . Tính đến nay, có 4 đơn vị áp dụng lãi suất cao từ 3% trở lên là Đông Á, Việt Nam Tín Nghĩa, Sài Gòn (SCB) và Phương Đông (OCB). Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB cho biết, nhà băng này đẩy lãi suất vàng lên cao, là trong xu thế chung hiện nay. Đại diện của OCB phủ nhận thông tin huy động vàng để chuyển thành tiền đồng với giải thích: “Chúng tôi huy động với số lượng không nhiều, hơn nữa chuyển đổi vốn từ vàng thành tiền đồng khá rủi ro khi đến hạn tất toán với khách. Do vậy, sẽ không có chuyện huy động để chuyển thành VND”. Về mức lãi suất 3,2% một năm, Tổng giám đốc OCB bày tỏ, cũng không quá chênh lệch so với nhiều nhà băng hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu nhận định, việc một số đơn vị trong nhóm G5+1 đưa lãi suất huy động vàng dâng cao, là để thu hút vàng từ người dân gửi vào, vì nhu cầu bán vàng bình ổn đang lớn. Về việc các ngân hàng nhỏ cạnh tranh lãi suất, ông bày tỏ, mỗi nơi sẽ có một mục đích khác nhau, song nếu cứ liên tục đẩy lên, lãi suất huy động chứng chỉ sẽ có thể ngày một nâng lên so với mục tiêu đưa dần về 0% như khuyến khích của Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho phép 5 ngân hàng và 1 công ty vàng tham gia bán vàng bình ổn. Từ đó đến nay, lãi suất huy động chứng chỉ vàng tại nhiều nhà băng, cả "ông lớn" và "ông nhỏ" liên tục dội lên cao.