Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi suất khó giảm như kỳ vọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 18 - 20% trong năm 2016, đồng thời nhận định khả năng giảm lãi suất sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Dồn sức xử lý nợ xấu

“Đến ngày 21/12/2015, tín dụng tăng trưởng 17,17% so với đầu năm, cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011 - 2014. Với diễn biến này, ước tín dụng cả năm có thể đạt khoảng 18%” - bà Hồng cho biết tại cuộc họp báo Hội nghị tổng kết hoạt động ngân hàng năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 tổ chức sáng 24/12. Theo đại diện NHNN, giải pháp điều hành, tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả. Do đó, NHNN đã triển khai đẩy mạnh tín dụng trong các lĩnh vực ưu tiên, hướng tới sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực trong công nghệ cao, nông nghiệp nông thôn, các chương trình chính sách tín dụng ngành, người nghèo và các đối tượng chính sách khác… mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế.
Hoạt động nghiệp vụ tại VietcomBank. 	 Ảnh: Hải Linh
Hoạt động nghiệp vụ tại VietcomBank. Ảnh: Hải Linh
Về định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2016, Phó Thống đốc NHNN cho biết, dự kiến ban đầu tăng trưởng tín dụng năm 2016 (dựa trên cơ sở GDP, lạm phát Quốc hội đã thông qua) sẽ ở mức 18 - 20%. Lý giải về con số này, theo bà Hồng, trong quá khứ, có giai đoạn tín dụng tăng trưởng trên 30% là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng cao. Tuy nhiên, từ đó đến nay, quá trình xử lý nợ xấu đã được giải quyết và tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72% (hoàn thành mục tiêu đề ra 3%). Và từ năm 2011 đến nay theo hướng xác định tăng trưởng hợp lý, linh hoạt các giải pháp.

Liên quan đến việc lạm phát xuống thấp, cả năm chưa đến 1%, song lãi suất thời điểm này vẫn ở mức cao, bà Hồng cho biết, so với các nước trong khu vực thì có thể lạm phát của Việt Nam là tương tự. Sự khác biệt ở đây là hệ thống ngân hàng Việt Nam đang được cơ cấu lại, phải sử dụng một phần lợi nhuận để xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn. Do vậy, khả năng giảm lãi suất sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Báo cáo lợi nhuận của các ngân hàng năm nay so với các năm đã giảm nhẹ. “Việc giảm lãi suất ở mức độ như thế nào để cân đối kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống thì cần tính bài toán tổng thể để có chính sách phù hợp” - Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh.

Thách thức điều hành tỷ giá

Báo cáo của NHNN cho thấy, tình trạng đô la hóa đã được giảm thiểu, đồng thời vị thế VND đã được nâng cao. Tuy nhiên, thị trường trong nước vẫn chịu nhiều tác động khó lường từ thị trường thế giới. “Năm 2015 có nhiều tác động lớn đến tâm lý trong nước như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng USD; đồng Nhân dân tệ giảm giá và được quốc tế hóa trong rổ tiền tệ... Đây cũng là một trong những thách thức điều hành của ngân hàng trong năm tới” - bà Hồng chia sẻ và cho biết, điều hành tỷ giá và ngoại hối ổn định trong giai đoạn 2011 - 2015 là một trong những điểm sáng, nâng cao vị thế của VND. Đây là cơ sở để năm 2016 điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, tiếp tục đồng bộ các giải pháp theo phương châm phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế; chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng để tiếp tục giảm tình trạng đô la hóa, vàng hóa, nâng cao vị thế VND, giảm kỳ vọng, tránh găm giữ ngoại tệ gây khó khăn cho điều hành tỷ giá.
Trong mấy ngày qua, nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động VND nhằm thu hút nguồn tiền từ dân cư để phục vụ thanh khoản thời điểm cuối năm. Cụ thể, lãi suất huy động VND ngắn hạn tại hầu hết ngân hàng đã điều chỉnh tăng thêm từ 0,2 - 0,5%/năm so với đầu năm, kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm.