Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi suất khó giảm sâu

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần qua, lần lượt các ngân hàng như Vietcombank, Agribank, BIDV, VP Bank đều công bố giảm lãi suất cho vay từ 0,5 – 1%.

Các lĩnh vực được ưu tiên trong đợt giảm lãi suất cho vay lần này là: Nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao, DN khởi nghiệp.
Giảm lãi suất cho vay ngắn hạn

Tại Vietcombank, tất cả các khoản vay hiện tại và vay mới của khách hàng sẽ được áp dụng lãi suất là 6%/năm, giảm ít nhất 0,5%/năm so với trước. Tương tự, BIDV điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống mức tối đa 6%/năm. Agribank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ tối đa 6,5%/năm xuống còn tối đa 6%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8%/năm xuống còn từ 7,5%/năm đối với các khách hàng thuộc 5 đối tượng ưu tiên. Riêng Vietinbank áp dụng mức lãi suất cho vay chỉ từ 5%/năm dành cho khách hàng là DN nhỏ. Đây là động thái nhằm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/1/2018 và định hướng điều hành của Thống đốc NHNN với mục tiêu đồng hành cùng DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh VPBank Hà Nội. Ảnh:  Thanh Hải

Phấn đấu giảm lãi suất cho vay được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018. Đánh giá chung lần giảm lãi suất này, các ngân hàng đều áp dụng với khách hàng thuộc 5 đối tượng ưu tiên và có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. “Agribank thực hiện giảm 0,5% lãi suất cho vay cả ngắn hạn và trung hạn cho các đối tượng theo hướng dẫn của NHNN và các DN được xếp loại A” - Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết. Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết thêm, nhiều DN có chất lượng hoạt động tốt, dự án hiệu quả, uy tín cao… đã được cho vay thấp hơn nhiều so với mức lãi suất hiện nay.

Áp lực tăng vốn dài hạn

Việc giảm lãi suất ở một số ngân hàng hiện nay theo các chuyên gia là một tín hiệu tốt, tuy nhiên để giảm lãi suất sâu và trên diện rộng là không dễ. TS Bùi Quang Tín - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, lợi nhuận của nhiều ngân hàng khá cao chủ yếu là đến từ kế hoạch xử lý nợ xấu. Với nguồn thu từ dịch vụ, các ngân hàng hiện vẫn đang trong thời kỳ đầu chuyển sang mảng bán lẻ (chỉ chiếm khoảng 25% tổng dư nợ trên toàn hệ thống). Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, ngân hàng bán lẻ đã phát triển từ lâu và có tỷ trọng cao hơn nhiều. “Như vậy, việc thu hồi vốn từ nợ xấu tại các ngân hàng mới giảm áp lực huy động vốn, bổ sung thanh khoản chứ chưa đủ lực làm cho lãi suất đầu vào đi xuống, kéo lãi suất cho vay giảm theo. Thực tế đang có nhiều ngân hàng sẵn sàng huy động vốn với lãi suất cao, cho vay với lãi suất hợp lý nhằm bảo đảm hòa vốn. Từ đó, mặt bằng lãi suất cho vay rất khó giảm sâu hơn nữa" - ông Tín dự báo.

Tương tự, TS Cấn Văn Lực cho hay, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi đang thấp hơn với nhiều nước trong khu vực. Bên cạnh đó, các quy định của NHNN đang áp dụng theo xu hướng thắt chặt tín dụng, như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 45% cũng là nút thắt cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Ngoài ra, áp lực tăng vốn lớn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, tới cuối năm 2020, các ngân hàng dự kiến phải tăng vốn tự có gấp 1,8 – 2 lần hiện tại. Các yếu tố kể trên thì thấy cánh cửa hạ lãi suất cho vay cho mọi đối tượng, trên diện rộng và dài hạn là chưa thể.

“Năm 2018 có điều kiện giảm thêm lãi suất nhưng không nhiều. Lãi suất ổn định và giảm mức độ nhỏ”- ông Trương Văn Phước - quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định. Dù vậy, động thái hạ lãi suất cho vay ngắn hạn với mức giảm 0,5 - 1% cho các đối tượng ưu tiên cũng đã giảm bớt phần nào áp lực chi phí cho DN. Theo tính toán, cứ giảm 1% lãi suất sẽ tương đương với giảm 0,27% vào giá thành. Ngoài ra, vấn đề được nhiều DN quan tâm là dòng vốn rẻ lan tỏa đến đúng các lĩnh vực ưu tiên theo yêu cầu của NHNN, thay vì chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hiện nay, các ngân hàng đều áp dụng lãi suất ưu đãi chỉ 6 - 12 tháng. Mong muốn lớn nhất của DN hiện nay là ngân hàng quan tâm hơn đến khả năng tiếp cận vốn cho vay trung và dài hạn trên cơ sở nguồn vốn sản xuất.

Ông Tô Hoài Nam Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV