"Ốc chưa mang nổi mình ốc" Liên tiếp trong những ngày qua, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng mạnh, có thời điểm lên tới 22%/năm, thậm chí đến 40% cho kỳ hạn 1 tháng và 17%/năm với lãi suất vay qua đêm. Quan sát cách ứng xử của ngân hàng, chuyên gia kinh tế Lê Văn Hinh (ĐH Kinh tế quốc dân HN) cho rằng, các ngân hàng Việt Nam dù gặp khó nhưng vẫn không thể khó như các DN vì họ luôn tìm mọi cách đẩy rủi ro lãi suất cho phía vay bằng cách "vẽ" ra nhiều loại phí dịch vụ rất mới lạ mà trước đây không hề có như: phí dàn xếp, phí thẩm định, phí quản lý tài khoản... Nhiều DN bí vốn nên vẫn phải cắn răng chấp nhận, tuy nhiên sức DN cũng chỉ có hạn. Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, chỉ có khoảng 20% DN được khảo sát chịu đựng được mức lãi suất vay từ 16 - 20%/năm. Nhiều DN cho biết, họ sẽ thu hẹp quy mô sản suất nếu lãi vay ngân hàng tiếp tục gia tăng cùng với điều kiện môi trường kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Một số ý kiến cho rằng, bản thân các ngân hàng thương mại cũng đang khó khăn chồng chất, "ốc chưa mang nổi mình ốc" thì sao gánh vác, chia sẻ khó khăn với các DN. Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN đánh giá, có hàng chục ngân hàng đang nằm trong diện cần cơ cấu lại, tức sáp nhập hoặc giải thể. Vậy nên cách tốt nhất lúc này là các DN hãy nghĩ cách tự cứu mình, thay vì cầu cứu ngân hàng. Tự cứu mình Nhìn vào cơ cấu vốn của các DN Việt Nam hiện nay dễ dàng nhận thấy họ đang dựa vào hai nguồn tài chính chủ yếu là tín dụng ngân hàng và vốn phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên từ 2 năm trở lại đây, thị trường chứng khoán trở nên khó khăn do giá chứng khoán liên tục giảm điểm nên việc huy động qua cổ phiếu không còn khả thi, kênh huy động vốn chủ yếu còn lại tất nhiên là ngân hàng. Cũng theo ông Lê Văn Hinh, tỷ trọng vốn tự có của DN trong tổng vốn kinh doanh rất thấp, có đến 80 - 90% là vốn vay từ ngân hàng hoặc từ các tổ chức tài chính. Vì dựa quá nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng như vậy nên kết quả hoạt động của DN phụ thuộc rất nhiều vào lãi suất ngân hàng và khả năng đáp ứng vốn của ngân hàng thương mại. Mấy ngày gần đây, câu chuyện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được rộ lên càng là lý do để các DN phải nhìn lại mình và không thể thụ động chờ ngân hàng cứu giúp. Theo gợi ý của các chuyên gia kinh tế, các DN cần rà soát lại tất cả các khâu từ trực tiếp đến gián tiếp; xác định rõ hơn định hướng phát triển, lĩnh vực sản xuất, sản phẩm chủ chốt; xác định lĩnh vực rủi ro… Khảo sát của VCCI cho thấy, các DN Việt Nam đã và đang mạnh dạn cắt giảm đáng kể các hoạt động không thiết yếu, tập trung sức cạnh tranh cho những lĩnh vực thế mạnh. Cuối năm 2010, Công ty CP Vincom tuyên bố thu hẹp quy mô đầu tư vào lĩnh vực tài chính để tập trung phát triển mảng bất động sản, năm nay hàng loạt các công ty chứng khoán như ACB, An Bình cũng thông báo rút một số phòng giao dịch và chi nhánh ở Hà Nội và TP. HCM… để cắt giảm chi phí. Nhưng, bên cạnh biện pháp "thắt lưng buộc bụng", các DN còn phải mạnh dạn cơ cấu lại nguồn tài chính, giảm tối đa vay mượn từ ngân hàng, những DN ốm yếu nên chủ động tìm đến đối tác mới chấp nhận mua bán sáp nhập như một giải pháp nâng cao năng lực quản trị, quản lý DN, đảm bảo sự phát triển tốt hơn cho DN.