KTĐT - “Việc tăng lãi suất cơ bản được coi là một dấu hiệu tương đối tích cực đối với VND nhưng dường như dòng tiền vẫn đang có những vận động tiêu cực. Cán cân thanh toán trong ngắn hạn có thể gây áp lực gia tăng lên tỷ giá USD/VND”.
Ngân hàng Standard Chartered vừa có bản báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam, sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8% và điều chỉnh tỷ giá.
Theo ngân hàng này, dòng tiền tại Việt Nam có những vận động tiêu cực là do dòng vốn FDI đang yếu đi và dòng kiều hối chuyển về nước không thể bù bắp được thâm hụt thương mại.
Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, có 2 nhân tố khiến áp lực lên đồng VND giảm. Thứ nhất là việc giá vàng tăng đã khiến nhà đầu tư trong nước quan tâm tới vàng nhiều hơn là tiền đồng. Nhân tố thứ hai là do thâm hụt thương mại có khả năng gia tăng trở lại vượt 2 tỷ USD mỗi tháng.
Mặc dù mức thâm hụt này vẫn thấp hơn mức 2,5 - 3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2008 nhưng đã làm dấy lên những quan ngại về áp lực cán cân thanh toán; đặc biệt khi vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và dòng kiều hối được dự đoán chỉ tăng từ từ.
Ông Tai Hui, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu khu vực châu Á của Ngân hàng Standard Chartered nói: “Chúng tôi coi việc tăng tỷ lệ lãi suất này là sự bắt đầu của một chu kỳ tăng mới nhưng hiện tại lãi suất cơ bản sẽ đạt mức 10% vào quý IV/2010, tăng hơn so với dự kiến trước đây của chúng tôi là 9%. Điều này dẫn tới lãi suất cho vay tối đa có thể đạt mức 15%”.
Đối với cặp tỷ giá USD/VND, theo dự đoán của ngân hàng này, tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 18.500 vào cuối năm 2009 và tăng 18.600 vào cuối quý I/2010, tiếp đó sẽ tăng lên 18.800 vào cuối quý II, 18.900 vào cuối quý III và vào quý IV/2010 sẽ là 19.000.
Mặc dù những quan ngại về VND là lý do chính để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bất ngờ tăng tỷ giá, quyết định này theo dự đoán của Standard Chartered sẽ ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam.
Xu hướng lãi suất nội địa trong những tháng gần đây rõ ràng có hướng tăng lên và đà này sẽ được duy trì trong dài hạn. Tính thanh khoản của thị trường bị thắt chặt, thiếu các đợt phát hành sơ cấp, áp lực lạm phát gia tăng và những lo ngại xung quanh đồng tiền nội địa đã làm giảm đáng kể sự hấp dẫn của trái phiếu trong 6 tháng cuối năm 2009…