Theo TS Tô Kim Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, lãi suất huy động ở Việt Nam luôn âm và âm ở mức cao. Tuy nhiên, lãi suất (huy động và cho vay) nước ta lại luôn đứng ở nhóm đầu thế giới. “Vậy, làm thế nào để giải quyết được mâu thuẫn có thật này; ngoài công cụ lãi suất, chúng ta có thể tìm ra được chính sách nào tốt hơn để giải bài toán lãi suất thấp mà vẫn cao, cao nhưng lại quá thấp này…” - Đó là câu hỏi cấp thiết được T.S Tô Kim Ngọc đặt ra.
Ông Iskandar Simorangkir, Trưởng Ban nghiên cứu kinh tế Ngân hàng T.Ư Indonesia nêu quan điểm, việc ấn định lãi suất phải được thực hiện sao cho tương thích với mục tiêu lạm phát. "Indonesia đang có xu hướng cắt giảm lãi suất mạnh mẽ. Chúng tôi duy trì lãi suất của Ngân hàng Indonesia ở mức 6,5%/năm, đến tháng 2/2011 tăng lên 6,75%/năm và giữ cố định. Đến tháng 10/ 2011, lại giảm xuống còn 6,5%/năm và cách đây một tuần giảm còn 6%/năm"- ông Simorangkir nói.
Như vậy, để lãi suất cho vay ra của nền kinh tế phù hợp và người dân vẫn được hưởng lãi suất thực dương, theo nhiều đại biểu, không còn cách nào khác là phải hạ lạm phát. Tuy nhiên, trong hai "liều thuốc" đặc trị lạm phát là chính sách tài khóa và tiền tệ thì có vẻ như chính sách tài khóa chưa đảm nhiệm tốt vai trò của mình trong khi chính sách tiền tệ lại thực hiện thắt chặt.
Trong chính sách tiền tệ, công cụ lãi suất được sử dụng đến mức không thể sử dụng hơn được nữa. "Tiết kiệm và đầu tư của Việt Nam có sự chênh lệch quá lớn. Dường như các ngân hàng chỉ có duy nhất công cụ lãi suất để cạnh tranh nhau. Điều này phản ánh nội tại các ngân hàng thương mại còn yếu, dịch vụ đơn lẻ, tín dụng vẫn chiếm đa số" - T.S Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN nêu lên một thực tế.
Cần một “nhạc trưởng”
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng để chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nên chỉ trông chờ vào mỗi chính sách tiền tệ, nhất là chính sách lãi suất, mà cần có sự phối hợp đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Theo các chuyên gia, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn chưa thực sự nhịp nhàng. Bởi vậy, theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, cần một “nhạc trưởng” cầm trịch để thống nhất được hai chính sách tài khóa và tiền tệ, cần xây dựng được chương trình tài chính dựa trên sự phối hợp giữa hai chính sách này, lúc đó sẽ xác định được mức độ phối hợp của hai chính sách như thế nào. Bên cạnh đó cần có công cụ để xác định nếu điều chỉnh 1% lãi suất cơ bản thì mức độ tác động đến chính sách tiền tệ và nền kinh tế ra sao, từ đó điều chỉnh chính sách tài khóa cho phù hợp.
Tuy nhiên, bà Thanh cũng thừa nhận, cái khó nhất để có công cụ này, là phải có hệ thống số liệu chính xác từ nhiều bộ, ngành, và điều này thực sự không dễ dàng.
Đồng tình với quan điểm này, TS Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, đơn vị đứng ra để xây dựng được chương trình phối hợp này chính là Chính phủ. Nhưng để Chính phủ có thể ra quyết định, Bộ Tài chính, NHNN và các đơn vị liên quan đến việc triển khai chính sách tài chính và tiền tệ phải cung cấp đầy đủ thông tin và số liệu của ngành mình.
Ông Tô Ngọc Hưng cũng kiến nghị thêm 4 giải pháp để giải quyết bài toán lạm phát: Thứ nhất, hạn chế tình trạng đảo chiều liên tục trong điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa. Thứ hai, cần tính đến độ trễ để xác định thời điểm, liều lượng và mức độ tác động hợp lý. Thứ ba, tránh tác động quá liều nhằm đạt mục tiêu ngắn hạn những tác động tiêu cực trong tương lai. Thứ tư, cần có các giải pháp dự phòng.