Cả ba loại lãi suất trên tiếp tục giảm sâu, nhưng chưa thực sự ngấm sang lãi suất cho vay... Vẫn không ham cho vay Tính tới thời điểm hiện tại, tổng khối lượng huy động TPCP đã đạt 92,68% so với kế hoạch đề ra. Nếu tiếp tục đà huy động này, có thể trước khi kết thúc quý III, Kho bạc Nhà nước sẽ hoàn thành kế hoạch huy động TPCP đề ra cho cả năm nay. Tháng 8 vừa qua cũng chứng kiến kỷ lục giảm sâu của lãi suất trên thị trường liên NH, đặc biệt là lãi suất tín phiếu. NHNN đẩy mạnh hoạt động phát hành tín phiếu, hút bớt tiền về. Trạng thái dư thừa vốn trong hệ thống phản ánh rõ ở việc tất cả lượng tín phiếu NHNN đưa ra đều được các NH mua hết. Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: "Tính đến cuối tháng 8/2016, vốn huy động từ hệ thống các tổ chức tín dụng đã tăng khoảng 11% so với đầu năm trong khi tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu chậm lại, ước chỉ khoảng 9,2%".
Trong bối cảnh thừa tiền, kỳ vọng của cả DN, Chính phủ và tất nhiên của NHNN là lãi suất đầu ra sẽ giảm trên cơ sở thanh khoản được đảm bảo. Song, lãi suất vẫn đang ngăn cản sức hấp thụ vốn. Hiện, không có NH nào giảm lãi suất và đẩy mạnh cho vay. Trong khi tín phiếu, trái phiếu có thanh khoản cao, mua dễ, bán dễ, khi cần có thể chuyển thành tiền được ngay để giải quyết nhu cầu chi trả là lựa chọn của nhiều nhà băng. Lãi suất còn áp lực tăng Ngay cả lãi suất liên NH giảm thì theo Tổng Giám đốc một NH, lãi suất thương mại cũng khó giảm. “NH không dùng vốn này để cho vay. Vì NH huy động 10 đồng phải để dư 2 đồng. Trong khi lãi suất trên thị trường liên NH lại thấp như vậy thì chi phí vốn NH phải bù đắp cao hơn. Do đó, càng khó để giảm lãi suất cho vay trên thị trường” - vị Tổng Giám đốc này lý giải. Tất nhiên, muốn giảm lãi suất thêm hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lạm phát, tốc độ xử lý nợ xấu nhanh hay chậm… Theo công bố mới nhất của NHNN, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống cuối tháng 6/2016 là 2,58%, mặc dù giảm 0,2% so với tháng 5 nhưng vẫn cao hơn mức 2,55% vào cuối năm 2015. Điều này đồng nghĩa với việc nợ xấu đã tăng nhanh hơn tín dụng trong những tháng đầu năm. Theo thống kê từ 15 NH thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý II/2016 (gồm 9 NH niêm yết và VIB, VPBank, Techcombank, BacABank, ABB, VietABank), tổng nợ xấu của các NH này đã tăng 10.420 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% lên 1,83%. Trong đó, 11/15 NH có nợ xấu tăng, đứng đầu là BIDV, Eximbank, Sacombank, SHB. 7/15 NH có tỷ lệ nợ xấu giảm so với đầu năm, tuy nhiên mức giảm này là do tín dụng tăng mạnh hơn tốc độ tăng của nợ xấu (Vietcombank, VietinBank, ACB). Tháng 8 vừa qua, thị trường lại chứng kiến các NH tăng lãi suất huy động, cũng là nguyên nhân làm lãi suất cho vay khó giảm. Đã có hơn 10 NH thương mại tăng lãi suất tiền gửi từ 0,1 - 0,4%/năm ở cả kỳ hạn dài và kỳ hạn ngắn. Hiện, mức lãi suất huy động cao nhất được niêm yết công khai là 7,7%/năm thuộc về NH Bản Việt dành cho kỳ hạn 13 tháng và VietA Bank áp dụng cho kỳ hạn 15 tháng trở lên. Trong khi lãi suất phổ biến tại các NH quy mô tương tự 2 NH này ở mức 7,2 - 7,4%/năm và khoảng 6,8 - 7,2%/năm ở các NH quy mô lớn hơn, cộng thêm khuyến mại, quà tặng. Các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng, các NH tăng lãi suất do áp lực xử lý nợ xấu, lãi dự thu lớn (lãi ảo), nên phải tăng huy động để bù đắp. Ngoài ra, nhiều NH cũng đã sử dụng hết hạn mức vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, phải đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động.
Hoạt động nghiệp vụ tại VietinBank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải |
Nếu không kiểm soát tốt, lãi suất rất có thể tăng trở lại. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng cơ bản đang có dấu hiệu phục hồi, giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng trở lại. Song về dài hạn cần phải tích cực giảm nợ xấu, vì đây là một trong những nguyên nhân khiến chi phí hoạt động trên tổng chi phí của NH tăng, làm cho khả năng chống đỡ rủi ro của NH yếu đi và đẩy lãi suất tăng cao. TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia |