Đã không ít lần, con ông muốn nói về những điểm yếu trong học tập, muốn hỏi ông bài toán nọ, câu văn kia, ông đều gạt đi, ném cho con một nắm tiền, bảo: “Tìm thầy giỏi mà học thêm, bố bận lắm!”. Không phải vì không tìm được thầy giỏi, mà chính thái độ ơ hờ của bố đã khiến em phản kháng bằng cách không cần học, thích thì chơi, đến kỳ thi dùng tiền nhờ bạn ném bài. Lớp thì vẫn lên đều, nhưng đến cuối cấp, em bỏ tiết nhiều quá, bỏ cả các tiết kiểm tra, nên không đủ điều kiện thi tốt nghiệp. Thế là ông bố nổi giận, nói em là “Đồ ăn hại”, bao nhiêu tiền của ông cho đều đổ đi đâu hết. Em chai lỳ trước những lời bố mắng…
Ảnh minh họa.
|
Câu chuyện ấy không phải là cá biệt. Có nhiều bạn trẻ từng tâm sự: Kể từ lúc biết nghĩ, chưa bao giờ được nói chuyện với bố mẹ. Bố mẹ chỉ biết đi làm từ sáng đến tối, kiếm thật nhiều tiền. Nhiều em khác thì thốt ra những lời buồn tủi trước cảnh có bố mẹ mà như… trẻ mồ côi. Biết bao những chuyện vui buồn của tuổi mới lớn, những cám dỗ ngoài đời... rất cần được vòng tay bố mẹ chở che và bảo vệ, nhưng dường như là quá khó khi các bậc phụ huynh còn mải miết với công việc ngoài xã hội. Một cô bé đã thốt lên, lúc nào cũng cảm thấy tủi thân vì em không cần tiền, có tiền mà cứ thui thủi một mình thì chẳng để làm gì. Bố mẹ luôn hãnh diện khi nhìn thấy con gái ngày ngày ngồi trên chiếc xe tay ga thời thượng đến trường, nhưng họ đâu biết đã bao đêm em đứng trên sân thượng cô đơn, trống trải. Em không thích giàu có mà chỉ muốn có một gia đình ấm áp tiếng cười nói của bố mẹ sau mỗi buổi đi học về. Rồi em rơi vào trạng thái thu mình vào vỏ ốc, không muốn giao thiệp với bất cứ ai.
Không ít câu chuyện trẻ vị thành niên “lầm đường lạc lối” chỉ vì sự thiếu quan tâm của bố mẹ. Các em coi đây như một sự phản kháng, một con đường vui. Bởi thế, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, thay vì trách con mình hư, không biết làm cho bố mẹ vui lòng, hãy trách chính bản thân mình đã thờ ơ với con cái. Hãy làm bạn với con để từ đó điều chỉnh cách sống, cách cư xử với con. Sự quan tâm không bao giờ là thừa dù con còn bé hay chấp chới bước vào tuổi trưởng thành. Đó chính là một “con đê vững chắc” nhất để hình thành một kỹ năng sống tốt.