Làm bạn với động vật hoang dã

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nêu cao trách nhiệm trong việc cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn các loài động vật hoang dã (ĐVHD), Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội luôn coi trọng công tác nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ, nhân viên.

Hoạt động này góp phần không nhỏ vào việc xây dựng mối quan hệ thân thiện, gần gũi giữa con người với các cá thể ĐVHD.
Không ngừng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng cho hay, những loài ĐVHD chỉ quen sống trong rừng với môi trường tự nhiên, nếu bị nhốt trong tường kín sẽ rất khó thích nghi. Việc nắm bắt tập tính, môi trường sống đặc thù của từng loài ĐVHD đóng vai trò quan trọng khi xây dựng phương pháp chăm sóc, nuôi nhốt sao cho gần gũi với thiên nhiên. Hàng ngày, nhân viên Trung tâm đều phải vệ sinh chuồng trại, kiểm tra sức khỏe, cung cấp thức ăn đầy đủ theo nhu cầu của từng loài. Với 9 công nhân, chăm sóc cho 39 loài ĐVHD ở 20 chuồng trại trên quy mô gần 1ha là lượng công việc không đơn giản. Ngoài bữa ăn định kỳ trong ngày, nếu động vật có sự cố về sức khỏe, cán bộ kỹ thuật và công nhân chăm sóc hầu như không được nghỉ ngơi.
 Công nhân chăm sóc hổ tại khu chuồng nuôi hổ bán hoang dã. Ảnh: Ánh Ngọc
Hiện, trung tâm vẫn đang duy trì phối hợp với Tổ chức bảo tồn ĐVHD Nước Việt, Tổ chức Động vật châu Á trong việc hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăm sóc, khám chữa bệnh cho các loài ĐVHD. Trong năm 2019, trung tâm tiếp tục cử cán bộ, nhân viên đi học tập tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam với mục tiêu chuyên nghiệp hóa nhiệm vụ chuyên môn và nâng cao nhận thức, hành vi của con người đối với ĐVHD. “Mặc dù các loài ĐVHD ở đây đang được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt, song chưa khi nào chúng tôi xem nhẹ việc trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để làm tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn của mình” – ông Lương Xuân Hồng nhấn mạnh.

Nâng cao tiêu chí thân thiện, gần gũi

Điều đáng ghi nhận là tại khu chuồng nuôi gấu bán hoang dã của Trung tâm, các công nhân đang thực hiện rất tốt việc nhận biết, phân biệt được các dấu hiệu stress, sở thích, thói quen của từng cá thể từ việc gọi gấu ra – vào chuồng, thích ăn gì hay chơi gì… Tuy nhiên, theo ông Hồng, thói quen, sở thích của các loài có thể thay đổi liên tục nên việc nhận biết kịp thời để điều chỉnh phương pháp chăm sóc cho phù hợp đòi hỏi người chăm sóc phải hết sức nhạy bén và chú ý. Đơn cử như, khi gấu tặc lưỡi, đi lại nhiều lần đó là biểu hiện của stress, lúc này người chăm sóc cần bón thức ăn, làm đồ chơi cho gấu để gấu giảm căng thẳng. “Mục tiêu của Trung tâm là nâng cao hơn nữa tiêu chí gần gũi, thân thiện giữa con người với ĐVHD” – ông Hồng nói.

Chia sẻ về chuyến học tập thực tế 7 ngày tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam, ông Hồng cho biết, bản thân ông vỡ ra bài học quý giá về công tác quản lý và chuyên môn. Đó là muốn làm tốt nhiệm vụ chăm sóc ĐVHD thì mỗi cán bộ, nhân viên phải hội tụ 3 yếu tố: Tình yêu thương, sự thân thiện và luôn coi động vật là trung tâm. Khi đó, con người sẽ thay đổi cách tiếp cận với động vật theo hướng gần gũi, tích cực và động vật cũng không stress, sợ hãi hay hung dữ khi tiếp xúc với con người. Đáng chú ý, môi trường làm việc ở Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam khá lý tưởng khi mối quan hệ thân thiện giữa con người với con người, con người với động vật luôn được đặt lên hàng đầu. Không những thế, tinh thần làm việc tự giác, nhiệt tình, truyền cảm hứng của người quản lý và các nhân viên cũng rất đáng ngưỡng mộ.

Trong thời gian tới, Trung tâm cũng mong muốn được học tập các tiến bộ kỹ thuật trong điều trị vết thương cho ĐVHD. Chẳng hạn, áp dụng phương pháp khâu thẩm mỹ, sử dụng thuốc giảm đau giúp động vật tránh bị nhiễm trùng và mau lành vết thương.q

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần