Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm đường, quên mương

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chị Lành vừa thuê máy phụt tuốt xong hai sào lúa nếp, đang chở thóc về thì bà Oanh cùng làng hỏi thăm: "Lúa nếp vụ này có năng suất không cô Lành ơi?".

"Chán lắm bà ạ. Mọi năm nhà cháu cấy, năng suất đạt 1,9 tạ/sào nhưng năm nay chỉ được khoảng 70 - 80kg/sào thôi bà ạ" - chị Lành trả lời với vẻ mặt buồn rầu. "Sao lại giảm nhiều thế. Chắc lúa bị sâu bệnh à?" - bà Oanh hỏi tiếp. Như chạm đúng tâm sự của mình, chị Lành dừng hẳn xe, đứng trò chuyện với bà Oanh.

Chị kể, năng suất lúa vụ này nhà chị thấp không phải do sâu bệnh, cũng không phải do thời tiết hay do giống kém chất lượng mà là do thiếu nước. Và cái lý do ruộng nhà chị thiếu nước cũng đáng để bàn. Bởi, thôn Quang vừa làm xong con đường giao thông rộng gần chục mét đi qua cánh đồng nhưng lại "quên" làm lại hệ thống kênh mương như trước nên một số khu ruộng cao như của nhà chị Oanh không thể lấy được nước. "Lúc lúa vừa bén chân, ruộng đã khô nứt nẻ, cháu phải gánh nước để tưới lúa mới được như thế này đấy bà ạ"  - chị Lành bức xúc kể.

Không chỉ thế, toàn bộ các cánh đồng của thôn Quang cũng chưa được quy hoạch, người dân tự phát, thích trồng gì thì trồng, dẫn đến tình trạng cùng một vùng, có gia đình cấy lúa nhưng có hộ lại trồng rau, đậu, lạc… dẫn đến việc lấy nước cũng rất bị động. Trong khi đó, vai trò của HTX Nông nghiệp ở địa phương lại rất mờ nhạt. Bởi thế, chị Lành cũng như nhiều người dân thôn Quang đều ao ước: "Giá mà xã, thôn quy hoạch rõ vùng lúa, vùng rau, vùng màu và có một kỹ sư nông nghiệp được đào tạo bài bản về giúp dân kỹ thuật sản xuất thì tốt biết mấy".