Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm gì để hạ nhiệt lễ hội?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Lễ hội bao giờ cũng nóng. Năm nay chúng ta phải làm sao cho hết nóng” – đó là trăn trở của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trong hội nghị tổng kết công tác tổ chức và quản lý lễ hội, diễn ra chiều 10/1.

Thế nhưng, ngay từ khi bắt đầu bước vào mùa lễ hội mới năm 2017, một loạt các kịch bản xấu có thể xảy ra đã được vạch ra cho nhà quản lý văn hóa.
Chọi trâu rồi rút kinh nghiệm
Bên lề cuộc hội nghị, bà Trịnh Thị Thủy – Cục tưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) thừa nhận với truyền thông, nhiều địa phương vẫn cố tình lách luật tổ chức chọi trâu bằng cách biến tướng trong tên gọi như Hội thi trâu khỏe ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đợt 2/9 vừa qua. Giá vé vào xem hội thi được bán cao ngất ngưởng, thịt trâu bày bán công khai với giá triệu đồng/kg. “Khi làm hồ sơ các đơn vị này cho rằng tổ chức các cuộc thi trên để kích thích sự phát triển của chăn nuôi. Nhưng làm gì có người dân nào có thể vào đó để bán thịt trâu” – ông Phạm Xuân Phúc – Phó Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL thẳng thắn bày tỏ. Đó là chưa kể, những hình thức cá cược, cờ bạc trá hình được thể hiện khá công khai. “Họ còn quảng cáo cả trên báo” – bà Trịnh Thị Thủy cho biết. Ngoài chọi trâu, ngày này còn nhiều lễ hội bạo lực kiểu mới dưới hình thức đấu ngựa, đấu dê, chọi chó, chọi gà – mang tính đối kháng thắng - thua, ăn tiền.

Lễ rước Hội đền Gióng 2016. Ảnh:  Công Hùng

Mặc dù Bộ đã cấm nhưng lễ hội bạo lực vẫn diễn ra và chưa có ai bị xử phạt. “Chúng tôi cũng lúng túng chưa biết vận dụng văn bản nào để xử lý vi phạm của những lễ hội cố tình chọi trâu” – bà Trịnh Thị Thủy cho biết. Cụ thể như Hội thi trâu khỏe ở huyện Phúc Thọ được khẳng định là có chọi trâu khiến trâu bị chết nhưng đến nay cũng mới chỉ dừng lại ở việc địa phương tổ chức rút kinh nghiệm và hứa không tổ chức tiếp vào năm sau. Chưa có cá nhân hay tổ chức nào bị nhắc nhở, xử phạt. Và thế là, chỉ cần được tổ chức một lần để diễn trò thu lời tối đa rồi dừng của DN đã thành hiện thực. Nhiều DN chưa thể lách luật thì làm đơn lên Bộ yêu cầu giải quyết đền bù thiệt hại đã đầu tư nuôi trâu, thuê sân bãi, lo dịch vụ…
Trên thực tế, cũng chỉ có một vài địa phương cố tình chây ỳ tổ chức lễ hội bạo lực như Hà Nội, Bình Phước… nhiều tỉnh, thành khác như Bắc Ninh, Phú Thọ… đã tìm ra giải pháp hạn chế hoặc dừng tổ chức lễ hội bạo lực kiểu mới này. “Phú Thọ đã thống nhất với Nhân dân Lễ hội Cầu trâu vẫn được tổ chức nhưng việc đập đầu trâu chỉ mang tính trình diễn hoặc đập bằng búa cao su, thay vì đập búa sắt như hiện nay” – ông Nguyễn Đắc Thủy – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ chia sẻ.
Lo sợ hầu đồng bùng phát dịp Xuân
Hầu đồng – một nghi thức trong tín ngưỡng thờ Mẫu đang có nguy cơ bùng phát sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. “Tính thương mại trong tín ngưỡng thờ Mẫu đã bắt đầu xảy ra và chủ yếu vào mùa Xuân. Vì nhiều đền, phủ tổ chức hội để nhảy đồng công khai. Chúng ta cần phải bàn tính, phòng trừ để không xảy tình trạng trục lợi tín ngưỡng” – ông Vũ Công Hội – quyền Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ cho biết. Cụ thể như mới đây đã xảy ra sự việc nhân danh danh hiệu để thương mại hóa di sản. Một tổ chức đã thông báo sẽ đứng ra đón bằng tín ngưỡng Mẫu của UNESCO dù không có chức năng này. “Nếu chúng ta không kịp phát hiện sẽ thành vấn đề lớn” – TS Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cảnh báo.
Có vẻ như theo quan điểm mới của Bộ VHTT&DL sẽ không hạn chế tổ chức lễ hội. Bởi vì, ông Nguyễn Thế Hùng – Cục trưởng Cục Di sản cho rằng nhiều lễ hội truyền thống được hồi sinh đã phản ánh sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội. “Nếu không phát triển thì lễ hội không thể có sự phục hồi trong giai đoạn vừa qua” - ông Nguyễn Thế Hùng bày tỏ. Và Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tuy không có ý thương mại hóa lễ hội nhưng cho rằng lễ hội phải gắn với du lịch để tháng Giêng không phải là tháng ăn chơi mà là tháng phát triển du lịch. Trong khi trước đây vấn đề phát triển du lịch lễ hội đang còn nhiều tranh cãi, thì tại hội nghị này, lần đầu tiên ngành văn hóa thể hiện rõ quan điểm tổ chức lễ hội là để phát triển du lịch. Liệu như vậy, lễ hội có tiếp tục “bùng phát” và xảy ra hàng loạt các mặt trái hay không sẽ là câu chuyện của mùa lễ hội năm 2017 và các năm tiếp theo.