Thêm vào đó, xu hướng chuyển dịch văn phòng sang những vị trí, loại hình đa tiện ích hơn, thậm chí thu nhỏ diện tích sử dụng của hầu hết các công ty, doanh nghiệp hiện nay, khiến thị trường này càng thêm căng thẳng trong việc thu hút và giữ chân khách thuê.
Cải tiến không gian làm việc
Thực tế nguồn cung văn phòng ngày một tăng, số khách thuê mới ít, trong khi "khẩu vị" khách hàng đã thay đổi, càng khiến tỷ lệ trống của văn phòng tại tất cả các hạng mục đều tăng. Hiện, các chủ đầu tư đều lo lắng, tìm biện pháp giảm tỷ lệ trống.
Theo nghiên cứu mới nhất của CBRE, tính chung mọi ngành nghề hiện nay, nhân viên chỉ làm việc tại văn phòng 55% thời gian, còn lại tác nghiệp ở nhà, quán cà phê, trên xe taxi. Và hầu hết các ông chủ cũng chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc chứ không kiểm soát nhân viên đến văn phòng bao lâu. Vì vậy, nhu cầu thay đổi, cải tiến không gian văn phòng làm việc, đã và đang được các doanh nghiệp hướng đến. Điển hình như Google, Facebook, Yahoo… thay vì sử dụng văn phòng truyền thống với những cabin khối hộp khô khan, chỗ ngồi tách biệt, các công ty này đã tạo nhiều không gian mở, phục vụ đa dạng các nhu cầu làm việc đơn lẻ, theo nhóm, làm việc cần nhiều thiết bị công nghệ hỗ trợ…
Bên cạnh xu hướng thay đổi, cải thiện văn phòng, nhiều doanh nghiệp lại thu hẹp diện tích sử dụng văn phòng, tăng tiện ích cho nhân viên, khuyến khích nhân viên làm việc di động. Hoặc sử dụng văn phòng theo hình thức "xếp hàng" - ai đến trước dùng trước, ai đến sau dùng sau, không có phòng làm việc riêng biệt cho từng nhân viên. Với cách làm này, tại Nhật Bản và Hongkong (Trung Quốc), một số doanh nghiệp đã tiết kiệm được 30% tiền thuê, năng lượng và công nghệ.
Chủ đầu tư phải thay đổi
Theo thống kê, tại Hà Nội, diện tích văn phòng đã giảm từ mức 1.000m2/doanh nghiệp những năm trước, hiện xuống còn 300 - 400m2/doanh nghiệp. Trong quý III/2014, thị trường văn phòng tiếp tục ghi nhận mức giảm nhẹ so với quý II. Tỷ lệ trống tại các tòa nhà hạng A là 23,1%, tăng 0,24%; hạng B: 34%, tăng 1,22% so với quý trước. Dự kiến, nguồn cung trong tương lai tiếp tục vượt cầu, áp lực cạnh tranh lớn do nhiều tòa văn phòng như Apex Tower, Handico Tower, Trung tâm thương mại Chợ Mơ… đi vào vận hành.
Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên gia, Phó Giám đốc dịch vụ văn phòng của Công ty CBRE Việt Nam William Badger cho rằng: Xu hướng thay đổi hoạt động của văn phòng này là tất yếu, song không đáng lo ngại. Bởi đây chính là cơ hội để các nhà đầu tư nhìn lại mình, chứng tỏ khả năng tồn tại và đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như bắt kịp xu hướng tương lai. Mặt khác, các chủ đầu tư hoàn toàn có thể trao đổi, làm việc cùng khách hàng để thiết kế văn phòng đa dạng, linh hoạt. Còn với các tòa văn phòng kiểu mẫu truyền thống, chủ đầu tư cũng cần có hình thức cải tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách thuê, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển văn phòng trong tương lai. Hơn nữa, họ cũng phải chú trọng đến công tác tiếp thị để có thể duy trì khách hàng hiện tại cũng như thu hút khách thuê mới trong cả ngắn hạn và dài hạn".
Trước tình trạng này cho thấy, trong xu hướng phát triển chung của phân khúc văn phòng cho thuê, để thích nghi được sự thay đổi trong cách làm việc mới, các tòa văn phòng xây dựng lâu năm cần phải được nâng cấp tu sửa thường xuyên để có thể cạnh tranh với những dự án văn phòng mới gia nhập thị trường. Đặc biệt với xu hướng phát triển hiện nay, tương lai, mỗi tòa nhà văn phòng sẽ không đơn giản chỉ là nơi làm việc mà còn là nơi cung cấp các dịch vụ chung như siêu thị, cà phê, phòng chơi dành cho trẻ em… Nếu đáp ứng được các yêu cầu này các văn phòng cho thuê vẫn có đất sống khỏe.
Tổ hợp Dự án văn phòng, căn hộ Thăng Long Number One trên Đại lộ Thăng Long của Viglacera Land đang được hoàn thiện. Ảnh: Chiến Công
|