Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm giàu từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bà Nguyễn Thị Lan Anh ở thôn Đông Dư Thượng, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội là hội viên hội nông dân đã làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng đất các gia đình bỏ hoang để sản xuất, làm dịch vụ đưa sản phẩm sang các nước Đông Âu để làm giàu cho gia đình và đóng góp xây dựng quê hương.

Đông Dư là một xã nhỏ, diện tích đất tự nhiên chỉ có 363,3ha, nhưng đất để sản xuất nông nghiệp lại rất ít, manh mún. Tùy theo vùng đất và tập quán của địa phương, các hộ gia đình ở Đông Dư vừa trồng ngô, cây lúa, thả cá, trồng các loại rau laghim và trồng cây ăn quả. Ngay từ năm 2000, gia đình bà Nguyễn Thị Lan Anh đã mạnh dạn chuyển đổi 4.320m2 đất trồng lúa, trồng ngô sang trồng loại ổi bốn mùa. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật với sự cần cù chăm chỉ trong khâu chăm sóc nên các vườn ổi nhà chị đều cho quả sai và ngon. Bà đã nghiên cứu và tìm ra "bí quyết" cắt tỉa cành hợp lý để ổi ra gối vụ và cho thu hoạch quanh năm.
 

Cùng thời điểm đó, nhận thấy nhiều gia đình ở Đông Dư bỏ ruộng hoang do trồng ổi cho năng suất thấp, bà đã bàn bạc với gia đình để nhận đặt ổi 4 mùa trên diện tích đất của 15 hộ bỏ hoang. Là người có sức khỏe lại rất say mê với đồng bãi, tranh thủ thời gian bà làm sớm, làm tối. Bà tận dụng từng mét vuông đất để làm ra sản phẩm cho gia đình và xã hội. Sau 2 - 3 năm đầu tư công sức và giống vốn, trên các thửa đất mà các hộ gia đình bỏ hoang nay đã là những vườn ổi xanh tốt. Khi ổi bốn mùa Đông Dư có giá trên thị trường và "làm ổi cũng không mất nhiều công lắm" thì một số gia đình lại muốn lấy lại đất để làm. Không phải khó khăn gì, gia đình bà lại vui vẻ "giao" lại vườn ổi đã trồng để cho các gia đình lấy lại đất tiếp tục làm và thu hoạch. Tạo điều kiện giúp đỡ một số gia đình khó khăn, già yếu, neo đơn; gia đình bà Lan Anh cho năm hộ vay tiền không lấy lãi để đầu tư vào sản xuất, giúp đỡ 2 cụ người cao tuổi đảm bảo sinh hoạt những lúc đau yếu khó khăn.

Từ năm 2007, tập đoàn rau gia vị của xã Đông Dư được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận và cấp bằng thương hiệu hàng hóa thì số các gia đình đầu tư cho sản xuất (cả quy mô nhỏ và quy mô trang trại) phát triển, cho nên có những sản phẩm, có vụ sản xuất ra nhiều, tiêu thụ khó khăn; gia đình bà đã mầy mò, chắp mối để đưa hàng sang các nước Đông Âu. Hàng của gia đình bà tự sản xuất ra và hàng thu gom ở địa phương, mỗi tuần xuất 2 chuyến sang Tiệp Khắc đã giúp phần nào tiêu thụ được sản phẩm của người dân địa phương sản xuất ra và có thêm thu nhập cho gia đình.

Với diện tích 4.320m2 đất trồng ổi 4 mùa, gần 6 sào trồng các loại rau gia vị và làm dịch vụ, mỗi năm gia đình bà Lan Anh thu được từ 180 đến 200 triệu đồng. Chỉ từ sản xuất nông nghiệp, gia đình bà Lan Anh đã xây được ngôi nhà 2 tầng có diện tích 180m2 để ở, mua sắm được các trang bị tốt phục vụ cho đời sống và sinh hoạt của gia đình.

Là hội viên hội nông dân, bà  Nguyễn Thị Lan Anh luôn gương mẫu, đoàn kết, quan tâm giúp đỡ các gia đình khó khăn, đi đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đạt hội viên hội nông dân tiên tiến huyện Gia Lâm giai đoạn 2005 - 2010; đạt hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Gia Lâm năm 2010. Năm 2011 được Hội nông dân thành phố công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi và được thay mặt cho hơn 500.000 hội viên Hội nông dân thành phố báo cáo ở Hội nghị biểu dương "Người tốt việc tốt" và "Công dân ưu tú thủ đô" của TP Hà Nội.