Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm giàu từ gà Mía

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đến vùng đất cổ Đường Lâm, huyện Ba Vì, Hà Nội ai cũng biết đến mô hình chăn nuôi gà Mía hiệu quả nhờ mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học của ông Nguyễn Quốc Quân (60 tuổi), người gắn liền với thương hiệu này nhiều năm nay.

Năm 1994, ông Quân phục viên, trở về quê hương. Ông nhận thấy, Đường Lâm có thể làm kinh tế bằng nghề chăn nuôi nên quyết định chọn gà Mía làm hướng phát triển kinh tế lâu dài.

Sau nhiều thất bại, ông Quân nhận ra, nếu cứ dùng phương pháp chăn nuôi thủ công, hiệu quả đem lại rất thấp. Thêm vào đó, giống gà Mía để nuôi thương phẩm thì cơ hội tiếp cận thị trường khó khăn hơn các giống gà khác vì trọng lượng gà Mía lớn hơn nhu cầu một bữa ăn của gia đình người Việt. Vì vậy, ông đã mạnh dạn cho lai con gà Mía với gà ta để cho ra gà "Mía pha", có trọng lượng nhỏ hơn và vẫn giữ được độ thơm, ngọt, dai của thịt gà; da vàng, giòn. Gà "Mía pha" có sản lượng trứng tăng hơn, đạt 100 - 110 trứng/năm, thời gian xuất chuồng ngắn hơn (khoảng 150 ngày), trọng lượng gà thương phẩm trung bình từ 2 - 2,5 kg/con đối với gà mái, 2,5 - 3kg/con đối với gà trống.

Làm giàu từ gà Mía - Ảnh 1

 

Năm 1998, nhận thấy nhu cầu chăn nuôi của bà con ngày càng nhiều, ông Quân bắt đầu học hỏi kỹ thuật ấp gà con bằng lò ấp điện. Ông cho biết: "Những ngày đầu tiên khi tôi mới chạy máy ấp gặp rất nhiều khó khăn, vì chưa được sự tin tưởng của bà con, nhưng rồi dần dần mọi việc đã đi vào ổn định". Ban đầu, với mục tiêu ấp con giống cho bà con trong xã và nhu cầu của gia đình, đến nay, con giống từ cơ sở của ông đã đến nhiều tỉnh lân cận Hà Nội như: Hưng Yên, Bắc Giang và cả các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa. Trong vườn nhà ông luôn có 400 - 500 gà mái đẻ, mỗi ngày cho 120 - 150 trứng. Cứ 4 ngày, lò ấp của ông lại cho ra 800 - 1.000 con gà giống, với giá từ 10.000 - 11.000 đồng/con, thu lãi 500.000 - 600.000 đồng. Đàn gà mái mỗi năm đều thay một lần, với giá bán 100.000 - 120.000 đồng/kg.

Trên mảnh đất hơn 1.400m2 vườn nhà, bên cạnh việc duy trì đàn gà Mía thuần chủng, ông Quân tiếp tục phát triển mạnh đàn gà "Mía pha".  Những năm trở lại đây, nhu cầu chăn nuôi và tiêu thụ của gà "Mía pha" ngày càng tăng, nên Hội chăn nuôi gà Mía xã Đường Lâm với hơn chục thành viên (do ông Quân làm Chủ tịch) đã và đang tính tới những phương án phát triển mô hình này. "Nếu không phát triển đàn gà "Mía pha", chắc thương hiệu gà Mía không được nhiều người biết đến và đi xa như thế" - ông Quân chia sẻ.

Gà Mía cùng với gà Hồ, gà Đông Tảo là một trong ba giống gà quý của vùng Đồng bằng sông Hồng. Gà Mía từ bữa cơm gia đình, trong mâm cỗ của mỗi nhà đến những ngày hội làng đều là bản sắc. Đặc biệt, gà Mía còn được biết đến là gà "tiến vua" trong mỗi dịp Tết đến hay những ngày lễ lớn...