Làm giàu từ lúa nếp cái hoa vàng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng thành công nhiều mô hình trồng lúa chất lượng cao. Trong đó, hiệu quả nhất phải kể đến việc phục tráng và phát triển mô hình trồng lúa nếp cái hoa vàng đặc sản giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Người dân thu hoạch lúa nếp cái hoa vàng tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Ánh Ngọc
Hiệu quả kinh tế cao
Sóc Sơn vốn là một trong những vùng trồng nếp cái hoa vàng trọng điểm của TP. Năm 2015, với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp Hà Nội, Sóc Sơn đã xây dựng thành công nhãn hiệu sở hữu tập thể “Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn” với tổng diện tích 190ha thuộc 3 xã: Tân Hưng (120ha), Phú Minh (40ha) và Bắc Phú (30ha) và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận nhãn hiệu tập thể. Ngoài nổi bật về chất lượng, nếp cái hoa vàng cũng cho chất lượng, giá trị cao hơn so với sản xuất lúa thường.
Cùng với triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cho lúa nếp cái hoa vàng đặc sản, đáp ứng các tiêu chuẩn về ATTP, Sở đang xúc tiến việc hỗ trợ hợp tác xã, nông dân xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nếp cái hoa vàng. Ngoài ra, Sở cũng khuyến cáo nông dân cần duy trì thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất an toàn, bảo đảm hai tiêu chí hàng đầu là chất lượng nông sản và ATTP.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại
Từ thành công trong việc phát triển nếp cái hoa vàng, năm 2015, Sóc Sơn đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình phục tráng giống lúa nếp cái hoa vàng (xã Phú Minh) giai đoạn 2015 - 2020 với mục tiêu tạo ra giống đồng đều về quần thể, bảo đảm chất lượng, nâng cao hơn nữa giá trị cho mặt hàng này. Sau 4 năm triển khai, việc phục tráng đem lại kết quả tích cực khi tạo thành công quần thể giống đồng đều với quy mô diện tích khoảng 45ha, năng suất đạt trung bình 160kg/sào. Đặc biệt, giá bán ra thị trường của gạo nếp cái hoa vàng đặc sản của xã Phú Minh đạt trung bình 50.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 lần so với giá gạo nếp cái hoa vàng sản xuất tại những địa phương khác.

Đánh giá về mô hình khôi phục giống lúa này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, việc phục tráng thành công giống nếp cái hoa vàng tạo tiền đề vững chắc để xây dựng nhãn hiệu tập thể “Nếp cái hoa vàng Phú Minh”, góp phần thực hiện thành công Đề án mỗi xã một sản phẩm của TP Hà Nội, qua đó, duy trì diện tích trồng lúa và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa tại địa phương.

Đẩy mạnh liên kết 4 nhà

Hiện nay, giống lúa nếp cái hoa vàng được trồng ở nhiều huyện ngoại thành. Cụ thể, tại huyện Đông Anh, diện tích trồng nếp cái hoa vàng lên tới gần 1.000ha, tập trung tại các xã Liên Hà, Thụy Lâm, Dục Tú… Tiếp đến là Sóc Sơn với khoảng 500ha, Thanh Oai hơn 300ha… Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, nếp cái hoa vàng là giống lúa đặc sản, rất kén chọn đất trồng và mùa canh tác, thường thuận lợi khi trồng vào vụ mùa. Đây là giống lúa cho chất lượng cao song dễ nhiễm bệnh, do vậy, cần tuân thủ quy trình canh tác. Ngoài ra, việc thực hiện liên kết theo chuỗi cũng đóng vai trò quan trọng giúp tiêu thụ sản phẩm gạo bền vững cho nông dân.

Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô, đến năm 2020, diện tích lúa chất lượng cao phấn đấu đạt từ 55.000 - 60.000ha canh tác, chiếm khoảng 55 - 60% tổng diện tích gieo trồng lúa, trong đó nếp cái hoa vàng là giống chủ lực. Ngoài việc mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đầu tư cho công tác tuyển chọn các giống, khảo nghiệm các bộ giống phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng từng vùng sinh thái của TP. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo. Đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác “4 nhà” nhằm tăng hiệu quả trong liên kết đầu tư, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần