KTĐT - Công việc, không nhất thiết phải là điều duy nhất để có được tiền bạc cho sự thành công, nhưng là sự kết hợp rất nhiều kỹ năng, là niềm đam mê, là động lực, là tính nhanh nhạy, và là tham vọng, sự kết hợp này tạo nên đồng tiền giá trị.
Thực tế xã hội dạy rằng, nếu làm việc chăm chỉ và làm những việc tốt, bạn sẽ thành công. Vậy làm thế nào để một đứa bé lớn lên trong những khu tai tiếng nhất ở Chicago, Mỹ đạt được thành công rực rỡ với hàng triệu đôla?
"Rất đơn giản. Thành công của tôi không phải do tình cờ, ngẫu nhiên; đó luôn luôn là kết quả của mục đích cao cả, nỗ lực chân thành, đường lối chỉ dẫn sáng suốt và quá trình thực hiện khéo léo. Điều đó không có gì thần bí hay ma thuật; và như tôi đã giải thích, đó không phải là do may mắn. Tôi đã lập kế hoạch và sau đó tôi thực hiện kế hoạch ấy. Tôi làm việc chăm chỉ, nhưng không hoàn toàn giống như bạn có thể nghĩ", cậu bé tỷ phú 14 tuổi ở Chicago chia sẻ.
Ý tưởng làm việc ít hơn nhưng lại kiếm được nhiều tiền hơn dựa trên sự thật là: Một khi bạn đã tìm ra được lĩnh vực sở trường của mình thì mọi thứ đều tập hợp lại theo cùng một cách khiến bạn làm việc khá dễ dàng và vui vẻ, và những kết quả bạn đạt được sẽ tạo điều kiện để bạn trở nên giàu có vượt xa cả những giấc mơ ngông cuồng nhất của bạn. Điều gì sẽ khó khăn hơn - trở nên giàu có và tận hưởng nó hay là thất bại và đau khổ; điều gì là không ổn với bạn?
Ngộ nhận về sự làm việc cật lực chỉ là một lời bao biện khác để không phải nỗ lực và tập trung vào niềm đam mê của bạn. Sự thực nằm ngay bên cạnh điều ngộ nhận: đó sẽ chỉ là một công việc nặng nhọc nếu như bạn không hứng thú với nó. Hơn thế nữa, làm việc cật lực không phải là dành nhiều thời gian hơn cho công việc hiện tại hay là giả vờ tỏ ra hài lòng với công việc đó. Đó phải là cảm giác thôi thúc bạn theo đuổi những gì bạn thực sự muốn, rất muốn, vì thế mà bất cứ sự hy sinh hay nghĩa vụ nào cũng sẽ trở thành việc hoan nghênh những khó khăn ngày càng tăng.
Có hàng triệu người làm việc trong rất nhiều năm nhưng không thể hiện thực hóa những điều họ muốn. Tại sao? Bởi vì rất có thể, họ chưa từng dừng lại để khám phá lĩnh vực sở trường của mình. Khi bạn đang làm công việc bạn yêu thích, sẽ có những ngày bạn không có nhiều việc để làm, hoặc bạn thậm chí không hề nhận ra rằng bạn, trên thực tế “đang làm việc”. Đó không phải là do bạn không có những ngày bận rộn bù đầu với công việc, hay là những khi bạn quá căng thẳng và mệt mỏi tột độ, nhưng những ngày tươi đẹp sẽ xóa tan đi những ngày u tối, chán nản. Bạn sẽ không phàn nàn quá nhiều về công việc, bởi vì đó là điều bạn yêu thích, bất kể điều gì xảy ra. Sẽ luôn có rất nhiều cơ hội, và thậm chí có thể bạn sẽ thấy những tờ séc đến với bạn từ những nơi mà chưa bao giờ bạn nghĩ đến.
Công việc, không nhất thiết phải là điều duy nhất để có được tiền bạc cho sự thành công, nhưng là sự kết hợp rất nhiều kỹ năng, là niềm đam mê, là động lực, là tính nhanh nhạy, và là tham vọng, sự kết hợp này tạo nên đồng tiền giá trị. Bạn phải khai thác khả năng của mình và những gì bạn có thể làm tốt nhất, coi chúng là những con đường đầy tiềm năng để đi tới thành công, và sau đó là thực hiện công việc biến chúng trở nên thành công.
Xem xét thực tế: Bạn có thể làm việc, làm việc, làm việc, làm việc, làm việc, nhưng nếu như bạn không làm việc trong lĩnh vực sở trường của mình, nếu như bạn không tự hỏi mình ba câu hỏi thì nghĩa là bạn đang làm việc không hề có mục đích.
Có một cách xem xét khác. Nếu như bạn đi sai hướng đến hàng nghìn km, vậy hãy nghĩ xem bạn cách nơi mình muốn đến là bao xa. Trong khi đó, bạn đã không còn sức lực, thời gian và những nỗ lực quý giá. Nó cũng giống như cuộc trao đổi giữa Alice và mèo Cheshire ở xứ sở Thần tiên khi Alice hỏi Mèo xem mình nên đi theo hướng nào trong cuốn sách Alice ở Xứ sở kỳ diệu (Alice’s Adventures in Wonderland) của Lewis Carroll. Chú mèo nói rằng điều đó tùy thuộc vào việc cô bé muốn đến đâu. Và khi Alice đáp lại: “Tôi chẳng quan tâm địa điểm ở đâu”, chú mèo nhanh chóng nói ngay rằng thế thì việc đó chẳng còn quan trọng nữa. Nhưng khi Alice nói thêm rằng cô bé muốn đến đâu đó, chú Mèo đảm bảo với Alice rằng cô bé chắc chắn sẽ làm được điều đó… nếu như cô bé đi đủ xa.
Tôi thấy rằng hầu hết mọi người đều nói một cách rất mơ hồ về những gì họ muốn và điểm đến trong tương lai, nhưng điều cốt yếu là lập kế hoạch để đến được đó. Liệu bạn có muốn đến “một nơi nào đó”, hay là muốn đến một nơi cụ thể? Nếu bạn đã có một mục tiêu cụ thể trong đầu, thì hãy lập kế hoạch chi tiết để thực hiện. Nếu như bạn đang đi lang thang trong rừng và chưa có một kế hoạch cụ thể, bạn có thể sẽ đi lòng vòng cả ngày và rồi bị lạc. Cuộc sống cũng như một khu rừng. Bạn cần phải lập kế hoạch để có thể đến được một nơi cụ thể và điểm đến ấy không thể là một mục tiêu mơ hồ nữa. Khi tôi nói “cụ thể” thì thực sự muốn nó phải được “cụ thể”.
Bên cạnh những kế hoạch, bạn cũng khó có thể thể bắt đầu kế hoạch nếu không có một điểm đến tiềm năng. Bạn phải bắt đầu từ nơi nào đó. Và điều đó có nghĩa là lập mục tiêu cho cuộc đời bạn. Gần đây, một người đàn ông đã đến gặp tôi sau khi bày tỏ sự luyến tiếc về việc chưa từng biết đến ba câu hỏi đó sớm hơn, ông ấy đã nói thế này: “Ngày xưa, nếu như có ai đó nói cho tôi ba câu hỏi đó thì tôi đã không như ngày hôm nay. Tôi thật là xuẩn ngốc. Những câu hỏi đó khiến cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Ước gì tôi đã biết chúng”.
Hãy cùng đến với ba câu hỏi đó. Chúng sẽ giúp bạn liệt kê tóm tắt những kỹ năng cũng như sở thích của bạn, bắt đầu với những gì bạn biết nhưng bạn lại cho rằng mình không biết.
1. Điều gì xảy ra dễ dàng đối với bạn nhưng lại khó khăn hơn đối với người khác?
- Hãy nghĩ về những điều mà mọi người đang ca ngợi bạn. Tất nhiên có ít nhất một hoặc hai điều bạn làm tốt và khiến cho những người khác phải chú ý đến bạn. Lý do mà người khác chú ý đến bạn và đưa ra lời khen thường là tự bản thân họ không thể làm tốt những điều đó được. Thậm chí họ có thể nói rằng bạn khác thường bởi vì bạn có năng khiếu đặc biệt. Mọi người ngưỡng mộ những kỹ năng vốn có của bạn, những kỹ năng mà họ không có. Đó không hẳn phải là một khả năng xuất chúng; nó có thể dựa trên một hoạt động thường ngày quen thuộc như viết thư điện tử (có chất thơ), nấu những bữa ăn (ngon đến bất ngờ), hoặc cắm hoa (rất đẹp).
Hãy ngồi xuống và suy nghĩ nghiêm túc về câu hỏi trên. Hãy viết lại những gì xuất hiện trong đầu. Mọi người nói gì về khả năng của bạn? Những khả năng tự nhiên nào bạn có mà đang tồn tại cùng cuộc sống của bạn? Hãy nhớ rằng hầu hết mọi việc chúng ta làm đều đơn giản đối với chúng ta. Có nhiều thời khắc năng lực của chúng ta quá vĩ đại đến mức chúng ta không hề ý thức về sự tồn tại của nó, đó là lý do tại sao những năng lực đó bị bỏ qua. Có lẽ bạn đã chôn vùi hơn một nửa những năng khiếu bẩm sinh của mình. Chúng ta hãy thử xem liệu mình có thể phát hiện và tận dụng những năng khiếu đó như những cơ hội thực sự không.
2. Bạn sẽ nỗ lực làm việc gì mặc dù có thể bạn không được trả công cho việc đó?
Hãy nghĩ về những điều bạn thích làm mà không mảy may quan tâm đến tiền bạc. Mỗi người đều biết ai đó ghét công việc của anh ta nhưng lại muốn nhận được tiền. Tuy nhiên, thời điểm nhận tiền trôi qua rất nhanh. Hãy hình dung thời khắc tuyệt vời bạn kiếm được tiền từ bất kỳ việc gì bạn đang làm. Nhưng tiền chỉ là phần thưởng. Bạn làm không phải vì tiền. Hầu hết những người thành công mà tôi tiếp chuyện đều không nói nhiều về vấn đề tiền bạc. Những gì họ thực sự chia sẻ là tình yêu và lòng nhiệt huyết với công việc. Nếu bạn có thể say mê với công việc của mình thì tiền bạc sẽ tự đến. Do đó, gác vấn đề an toàn tài chính sang một bên, tôi xin hỏi một lần nữa, bạn sẽ xem xét làm việc gì trong nhiều năm mà không quan tâm đến vấn đề được trả công cho việc đó? Hãy tạo ra một danh sách mới và viết những điều xuất hiện trong suy nghĩ của mình. Hãy làm theo niềm say mê trước khi thực hiện bất kỳ việc gì liên quan đến tiền bạc. Hãy nghĩ đến những hoạt động hoặc lĩnh vực thực sự chiếm trọn tâm trí bạn và làm cho bạn cảm thấy thích thú.
3. Làm thế nào để bạn có thể trở nên hữu ích và giúp đỡ người khác?
Chúng ta càng cho nhiều thì càng nhận lại được nhiều. Chúng ta cảm thấy hài lòng khi kết thúc một ngày, chúng ta biết được rằng chúng ta đã làm cho cuộc sống của một ai đó trở nên tốt đẹp hơn. Câu hỏi thứ ba mà bạn nên tự hỏi mình đó là: Làm thế nào để bạn có thể mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng và cho thế giới nói chung. Đây là một câu hỏi mang đậm tính cá nhân và có ảnh hưởng sâu rộng. Việc mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn có thể đòi hỏi bất cứ điều gì từ sự tự nguyện, hành động biếu tặng, truyền đạt những kinh nghiệm bạn đã trải qua, và tài trợ cho các hội từ thiện trong nước nhằm mang lại một sản phẩm hoặc dịch vụ được yêu cầu nhiều mà bạn biết mọi người đều muốn có. Đôi khi thời gian cũng chính là cách biếu tặng.
Việc tặng không nhất thiết chỉ để cập đến những công việc phi lợi nhuận hoặc những công việc hướng vào dịch vụ. Có thể bạn đang mang lại giá trị cho xã hội chỉ bằng cách thỏa mãn một nhu cầu hoặc làm gia tăng nhu cầu đó cùng với năng lực của bạn thông qua một sản phẩm để bán, tư vấn, hoặc làm cho công việc của những người khác trở nên dễ dàng hơn. Khi công việc tiến triển, có thể bạn sẽ cần đến nhân viên hoặc người lao động tạm thời; vì thế trong phạm vi công việc của mình, bạn đang tạo việc làm và mang lại cơ hội cho những người khác. Ở một phương diện nào đó, hành động tạo việc làm và mang lại cơ hội cho người khác có thể hiểu là hành động nhằm mang lại lợi ích cho người thực hiện những hành động trên. Bill Gates đã sáng lập nên tập đoàn Microsoft nhằm đưa công dụng của máy tính đến toàn thế giới, bởi vậy những người như bạn và tôi có thể được lợi; nhưng hãy nhìn vào những gì ông ấy đang làm hiện nay từ sự thành công của mình. Ông ấy là một nhà từ thiện vĩ đại, là người sáng lập và tài trợ cho rất nhiều cơ quan và tổ chức từ thiện trên toàn cầu; và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới. Những thành quả lao động của ông tại Microsoft, từ ngày ông quyết định nghiên cứu cách thức biến máy vi tính trở thành một vật dụng trong nhà, đang giúp phát triển thế giới nói chung trên một phạm vi rộng lớn thông qua sự đổi mới trong y tế và giáo dục.
Không bao giờ chúng ta muốn trở thành những người ích kỷ. Một lý do khác để bạn tự hỏi mình câu hỏi trên là hãy bớt ích kỷ hơn trong suy nghĩ của mình. Sự chuyển đổi nhẹ nhàng đó từ trong suy nghĩ có thể giúp bạn nghĩ ra được nhiều ý tưởng hơn.