Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm khó cho cơ sở khi bỏ quy định cắt điện, nước công trình sai phạm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, việc cắt điện, nước công trình xây dựng sai phạm được đánh giá là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn vi phạm.

Thế nhưng, quy định này sẽ không còn tồn tại ở nghị định mới được ban hành trong thời gian tới.
Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng kiểm tra, giám sát một công trình xây dựng trên địa bàn. 	Ảnh: Hồng Thái
Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng kiểm tra, giám sát một công trình xây dựng trên địa bàn. Ảnh: Hồng Thái
Vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) ở Hà Nội luôn là vấn đề nóng và hiện nay việc xử lý cũng còn nhiều bấp cập. những công trình vi phạm có quy mô lớn, ở vị trí mặt đường lớn. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, Thanh tra xây dựng, chính biện pháp cắt điện, cắt nước đã được xem như một "bảo bối" trong việc ngăn chặn vi phạm để chủ đầu tư của các công trình phải ngừng thi công. Áp lực của biện pháp này còn ở chỗ, công trình sẽ không thể đưa vào sử dụng nếu chủ công trình không cam kết phá dỡ, khắc phục tình trạng sai phạm. Cho đến nay, cắt điện, cắt nước vẫn là một trong những biện pháp có hiệu quả nhất - một vị lãnh đạo của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá.

Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở đã có hiệu lực và đi vào cuộc sống với thời gian chưa dài. Tuy nhiên, do thực tiễn thay đổi, đồng thời để hướng dẫn Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều khoản cho phù hợp, và Bộ Xây dựng đã có Tờ trình gửi Chính phủ về việc xem xét, quyết định ban hành Nghị định mới thay thế.

Các văn bản góp ý của các bộ, ngành và địa phương nhìn chung thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị định, cơ cấu bố cục và nội dung dự thảo. Tuy nhiên, quy định về biện pháp khắc phục hậu quả “Đình chỉ thi công xây dựng; ngừng cung cấp điện, nước; cấm đưa công nhân, vật tư, vật liệu vào thi công xây dựng công trình vi phạm" đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Bộ Tư pháp đề nghị không quy định biện pháp “ngừng cung cấp điện, nước; cấm đưa công nhân, vật tư, vật liệu vào thi công xây dựng công trình vi phạm” là biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm TTXD. Bởi việc áp dụng biện pháp này không khôi phục lại được trật tự quản lý Nhà nước mà chỉ có tác dụng ngăn chặn việc tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm trong tương lai. Đó cũng không phải là các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, Luật Xây dựng 2014 cũng đã bãi bỏ quy định về việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện, cung cấp nước đối với công trình vi phạm TTXD. Bộ Xây dựng đã tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và đưa ra khỏi dự thảo Nghị định này.

Cấp bộ là vậy, nhưng khi dự thảo lấy ý kiến ở các địa phương, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng nên giữ quy định ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm, bởi theo quy định hiện hành, để hỗ trợ cho việc đình chỉ này, Thanh tra xây dựng được phép đề nghị cơ quan có thẩm quyền ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước cho công trình vi phạm. Thực tế cũng cho thấy, cán bộ có thể có ngày nghỉ, có giờ nghỉ nhưng "sai phạm" thì không nề hà giờ giấc, ngày nghỉ, kể cả lễ, Tết. Như vậy, trong thời gian tới, khi Nghị định mới được ban hành, sự thiếu vắng của một biện pháp ngăn chặn vốn rất hữu hiệu, chính quyền địa phương và lực lượng Thanh tra xây dựng sẽ còn khó khăn, vất vả nhiều hơn trong quản lý TTXD.