Làm lại cuộc đời từ nguồn vay ưu đãi

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ trương cho người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để tạo việc làm được thực hiện theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tại huyện Ba Vì, nguồn vốn này được triển khai thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua đó, hàng chục người không may lầm lỡ đã có cơ hội làm lại cuộc đời khi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi này sau khi hoàn thành thời gian cải tạo để trở về địa phương.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì làm việc với người dân đến vay vốn. Ảnh: Quý Nguyễn
Làm lại cuộc đời
Chính nhờ nguồn vốn vay này mà hàng chục người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương và người nhiễm HIV/AIDS tại huyện Ba Vì có nguồn sinh kế để vươn lên, cuộc sống của nhiều người nhiễm HIV, của những gia đình có thành viên từng bước vào con đường lầm lỡ dần ổn định. Một trong những tấm gương điển hình vươn lên nhờ nguồn vốn vay ưu đãi trên là gia đình bà Đ.T.H (trú tại thôn Chu Châu, xã Minh Châu, huyện Ba Vì). Năm 2014, ông N.D.V, chồng bà H. không may bị nhiễm HIV. Khi đón nhận sự thật phũ phàng này, cả 2 ông bà gần như ngã khụy. Những người thân trong gia đình bà H. cũng rơi vào trạng thái hoang mang cực độ. Với họ, đây chính là thảm kịch gia đình khủng khiếp nhất mà họ phải gánh chịu. “Lúc đó chúng tôi thật sự không biết phải đối mặt với những tháng ngày sắp tới như thế nào? Mọi thứ trước mắt đều trở nên tối tăm, mù mịt” – bà H. tâm sự. Đúng lúc đang chới với nhất thì gia đình bà H. nhận được sự chia sẻ của hàng xóm, của chính quyền địa phương và của cộng đồng. Chính những lời động viên đó đã từng bước giúp vợ chồng bà lấy lại thăng bằng, tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Mọi người dần trở nên bình tĩnh hơn, bắt đầu hoạch định kế hoạch cho cuộc sống phía trước. Bởi “cuộc sống không bao giờ chán nản” nên dù có ốm đau bệnh tật, dù có rơi vào trạng thái cùng cực thế nào, vợ chồng bà vẫn phải bước tiếp. Suy nghĩ đó giúp vợ chồng bà H. thêm mạnh mẽ hơn. Việc đầu tiên bà H. làm là mua thuốc điều trị đều đặn cho chồng. Nhờ thế mà sức khỏe ông V. dần hồi phục và ổn định. Tâm lý thoải mái, lạc quan, niềm vui và nụ cười dần xuất hiện trở lại trong ngôi nhà của vợ chồng bà H..

Sau đó, gia đình bà H. lại được nằm trong danh sách cho vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì. Hai lần được vay vốn, mỗi lần vay 30 triệu đồng, bà H. đầu tư nuôi bò sinh sản. Theo thời gian, đàn bò của gia đình bà ngày càng phát triển, kinh tế gia đình nhờ đó cũng dần dần được nâng cao. “Hằng ngày, chồng tôi chăn nuôi đàn bò sinh sản gồm 4 con, còn tôi vừa làm nông nghiệp, vừa buôn bán nhỏ để tăng thu nhập cho gia đình” – bà H. cho biết.

Gia đình chị Nguyễn Thị M. (trú tại khu 4, thôn Chu Chàng, xã Minh Châu, huyện Ba Vì) cũng là một trường hợp tương tự. Gia đình chị là một trong những hộ thuộc diện hộ nghèo lâu năm của xã, bản thân chị bị nhiễm HIV/AIDS từ chồng. Trong lúc chưa biết xoay xở thế nào để thoát nghèo, chị được Hội phụ nữ xã Minh Châu giới thiệu làm thủ tục vay vốn ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo. Năm 2016, sau khi thoát diện hộ nghèo, chị M. tiếp tục được vay vốn đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV theo Quyết định 29. Từ nguồn vốn 30 triệu đồng được vay, vợ chồng chị mua 2 con bò sinh sản. Đến nay, đàn bò phát triển lên thành 6 con, giúp gia đình chị ổn định kinh tế, thoát nghèo. “Gia đình tôi có được cuộc sống ổn định như hôm nay bắt đầu từ số vốn vay theo chương trình ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì. Nếu không có sự giúp đỡ của ngân hàng chẳng biết đến bao giờ gia đình tôi mới thoát khỏi danh sách hộ nghèo” – chị M. tâm sự.

Niềm vui được nhân lên

Gia đình bà H., chị M. là một trong số rất nhiều trường hợp hộ gia đình có người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện, người bán dâm hoàn lương ở huyện Ba Vì được tiếp cận với vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là nguồn vốn tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương được thực hiện theo Quyết định số 29. Sau một thời gian triển khai có thể khẳng định việc hỗ trợ tín dụng theo Quyết định 29 là một chương trình mang ý nghĩa nhân văn tốt đẹp, mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội; rủi ro mất vốn không cao như nhận định ban đầu, cần bố trí thêm nguồn vốn để triển khai trên diện rộng. Bài học kinh nghiệm rút ra để việc triển khai có hiệu quả là cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành quyết tâm triển khai chương trình, đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của các hội đoàn thể nhận ủy thác, đội công tác xã hội tình nguyện và cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội. Mọi vướng mắc trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đều được nắm bắt và phối hợp giải quyết nhanh chóng, thuận lợi cho người vay.

Một tín hiệu đáng mừng là đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 02/2020/QĐ- TTg quy định sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm hỗ trợ vay vốn cho người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy. Theo nội dung của Quyết định 02 thì người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy… vẫn được hỗ trợ vay 20 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng với lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ nghèo, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay. Số tiền vay được dùng cho việc mua sắm các loại vật tư, vật nuôi, thức ăn gia súc, gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, đầu tư làm các nghề thủ công, góp vốn kinh doanh với cá nhân, tổ chức khác… Nguồn vốn cho vay do ngân sách Nhà nước cấp 50% trên tổng số kế hoạch nguồn vốn hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động 50% còn lại, ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý theo quy định. Trong đó, Hà Nội là một trong 15 tỉnh, TP trên cả nước được tiếp tục thực hiện thí điểm hỗ trợ vay vốn theo nội dung Quyết định 02.
Từ khi triển khai theo nội dung Quyết định 02, huyện Ba Vì đã thực hiện cho vay vốn ưu đãi tới 18 đối tượng. Trong đó 2 đối tượng người nhiễm HIV, 2 đối tượng người bán dâm hoàn lương, còn lại 14 đối tượng người sau cai nghiện ma túy. Tổng số tiền cho vay là 520 triệu đồng. Mục đích sử dụng vốn vay gồm để chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi lợn sinh sản và một trường hợp cho vay để mở tiệm sửa chữa xe máy. Tất cả các hộ được vay vốn đều đã thông qua các tổ vay vốn ở địa phương, ở từng xã đã bình xét nên tất cả đều đúng đối tượng. Việc sử dụng vốn vay cũng đang được thực hiện hiệu quả. 

Phòng LĐ,TB&XH huyện Ba Vì 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần