Làm ngơ cho vi phạm là sự yếu thế, bất lực

Thế Hà (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế&Đô thị, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Long Biên Nguyễn Quang Lượng khẳng định, công tác xử lý vi phạm giao thông không bao giờ là dễ dàng, nhưng làm ngơ cho vi phạm là thể hiện sự bất lực, yếu thế của lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Quang Lượng chia sẻ: “Gần như suốt cuộc đời tôi đã gắn bó với màu áo Thanh tra GTVT, đã từng xử lý vi phạm giao thông của cả xe kinh doanh vận tải lẫn phương tiện cá nhân. Nhiệm vụ mang đến cho tôi rất nhiều áp lực và cả những bài học xương máu”.

Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Long Biên cho hay, rất ít khi xử lý vi phạm giao thông mà người vi phạm chấp hành ngay. Hầu hết các trường hợp đều viện cớ xin châm chước, hoặc cầu cứu người thân, các mối quan hệ để can thiệp. Phức tạp nhất là tài xế xe kinh doanh vận tải, xin không được thường có hành vi chống đối, cự cãi, và cả đe doạ lực lượng chức năng.
 Thanh tra giao thông vận tải quận Long Biên xử lý vi phạm giao thông đường bộ. Ảnh: Đức Dũng
Khi được trao quyền xử lý vi phạm giao thông, Thanh tra GTVT cũng như các lực lượng khác sẽ rất dễ bị cám dỗ, đánh mất bản lĩnh của mình trước lợi lộc hay đầu hàng áp lực. Có một lần sẽ có nhiều lần khác nữa “mắt nhắm mắt mở” cho qua vi phạm. Lâu dần sẽ hình thành hai suy nghĩ tiêu cực. Thứ nhất là ngại việc, mặc cho vi phạm diễn ra, chỉ làm cho tròn vai mà không có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ. Thứ hai là coi quyền lực của mình như một công cụ để tư lợi cá nhân, sẵn sàng đổi chác, “xin thì cho”. “Trong mấy chục năm công tác tôi đã chứng kiến cả những người đồng đội, đồng nghiệp đánh mất chính mình vì lợi lộc. Đau xót và tiếc nuối vô cùng” - ông Nguyễn Quang Lượng chia sẻ.

Cần phải nhận thức rõ rằng việc làm ngơ cho vi phạm không chỉ gây mất trật tự, ATGT mà còn thể hiện sự yếu thế, bất lực của lực lượng chức năng. Sự dễ dãi của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ trong xử phạt vi phạm giao thông là một trong những nguyên nhân chính khiến tâm lý nhờn luật, phá luật của người dân còn tồn tại. Nhưng mặt khác, những người coi thường pháp luật về giao thông, sẵn sàng hối lộ, xin xỏ, cậy thế gây áp lực cho lực lượng chức năng cũng là nguyên nhân khiến thói hư tật xấu lây lan cả đến những người “lính” trên mặt trận giao thông.

Thói xấu “xin - cho” trong xử lý vi phạm là một trở ngại lớn, ảnh hưởng rất tiêu cực đến việc xây dựng văn hóa giao thông của Hà Nội. Xin được, cho được sẽ không bao giờ ngừng tái diễn vi phạm; ùn tắc giao thông, mất trật tự, ATGT cũng theo đó mà diễn biến ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng luật pháp hiện nay vẫn còn nhiều kẽ hở để người vi phạm lợi dụng, qua mắt cơ quan chức năng. Tâm lý coi thường, không xin được thì “sinh sự”, trả thù cũng còn tồn tại phổ biến trong một bộ phận không nhỏ người dân. Điều đó cho thấy công tác giáo dục, tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật nói chung, luật giao thông nói riêng còn có vấn đề, chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Các trang mạng xã hội nhiều khi vẫn còn cổ xuý cho hành vi chống đối lực lượng chức năng, tạo tâm lý a dua, phản ứng tiêu cực cho người vi phạm khi bị xử lý.

Là người thực thi pháp luật, nếu thiếu bản lĩnh, thiếu sự linh hoạt, mưu trí sẽ khó có thể làm tròn chức trách của mình. Khi xử phạt vi phạm giao thông, không thể chỉ cứng rắn mà còn phải uyển chuyển, nắm vững luật, tuyên truyền cho người vi phạm hiểu rõ lỗi của mình, chấp hành hình thức phạt. Mặt khác, lại cần phải vững vàng, không lùi bước trước mọi áp lực, thượng tôn pháp luật vì lợi ích chung của cả xã hội. “Và điều cần nhất là sự ủng hộ, ghi nhận của người dân, sự hậu thuẫn vững chắc của các cấp quản lý để lực lượng chức năng mạnh mẽ, thực thi hiệu quả nhiệm vụ của mình. Khi làm đúng mà nhiều người dân phản ứng, lại phải đối diện với những áp lực ngầm thì cán bộ, chiến sỹ khó lòng hoàn thành nhiệm vụ, giữ mình ngay thẳng trong suốt quá trình công tác. Đó là vấn đề rất thực tế của chúng tôi” - ông Nguyễn Quang Lượng chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần