KTĐT - Trả lời phỏng vấn ABC, Giáo sư Fariborz Moshirian chuyên ngành tài chính tại Đại học New South Wales nhận xét tình trạng giá cả bất ổn sẽ lan rộng khắp châu Á.
Theo Hãng truyền thông quốc gia Australia (ABC) ngày 19/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện rất quan ngại về tình trạng lạm phát ngày càng gia tăng của các nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ tại châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự hồi phục và ổn định kinh tế toàn cầu sau cuộc suy thoái kinh tế vừa qua.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo cho biết giá lương thực, thực phẩm không ngừng leo thang tại châu Á. Giám đốc WB Robert Zoellick lên tiếng cảnh báo về nguy cơ bùng nổ khủng hoảng đang đến rất gần, nói rằng trong năm 2010 đã có thêm 44 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh đói nghèo do giá lương thực leo thang và nếu giá lương thực tiếp tục tăng thêm 10% nữa thì sẽ có thêm khoảng 10 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo. Đây cũng có thể là nguy cơ gây bùng phát một giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới.
Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss Kahn cho biết lạm phát giá lương thực và nhiên liệu có thể dẫn đến bong bóng giá cả nguy hiểm. Đây là vấn đề quan tâm hàng đầu tại các nước mới nổi lên. Mặc dù việc tăng giá cả lương thực và nhiên liệu có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng nguy cơ lạm phát bắt nguồn từ việc các mức giá này gần như tăng đến mức kịch trần đã trở thành vấn đề đáng quan ngại.
Trả lời phỏng vấn ABC, Giáo sư Fariborz Moshirian chuyên ngành tài chính tại Đại học New South Wales nhận xét tình trạng giá cả bất ổn sẽ lan rộng khắp châu Á. Theo Giáo sư Moshirian, hiện nay, Ấn Độ đang phải đối mặt với mức lạm phát cao (8%), trong khi tại Trung Quốc, lạm phát dường như đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát với mức 6% thay vì mức dự đoán 4%. Đồng thời, ở một số nước khác trong khu vực như Indonessia cũng đã xuất hiện một vài dấu hiệu lạm phát.
Tuy nhiên, ông Moshirian cho rằng lạm phát giá cả lương thực chưa thể gây ra một cuộc khủng hoảng mới vì nhu cầu về các mặt hàng này vẫn đang gia tăng mạnh mẽ trong tầng lớp trung lưu ở châu Á.
Ông nói rằng hiện giờ chỉ có thể áp dụng giải pháp "án binh bất động" bởi 800 triệu người tiêu dùng có thu nhập trung bình tại châu Á vẫn có đủ khả năng mua lương thực trong thời kỳ lạm phát. Bên cạnh đó, các nước này thường xuyên nhận được nguồn vốn đầu tư khổng lồ từ nước ngoài.
Giáo sư Moshirian cho biết lạm phát sẽ vẫn là vấn đề nan giải nếu như các nước châu Á chưa đưa ra được biện pháp hiệu quả chung về chính sách tiền tệ, tương tự như việc Ngân hàng Trung ương châu Âu thiết lập cơ chế bình ổn kinh tế đối với các nước thành viên trong khu vực này.
Theo ông, tại châu Á, mỗi nước có một chính sách tiền tệ riêng với sự can thiệp khác nhau vào giá trị đồng tiền mỗi nước nên họ cũng phải đối mặt với tình hình lạm phát khác nhau.
Ông Moshirian nói việc thiếu một chính sách tiền tệ chung cũng chính là nguyên nhân gia tăng thêm áp lực về vấn đề lạm phát và lưu thông vốn vào các nền kinh tế châu Á hiện nay. Ví dụ điển hình là cơ chế tỷ giá hối đoái cố định tại Trung Quốc đã kìm hãm tính linh động của thị trường tỷ giá hối đoái nước này.
Theo giáo sư Moshirian, việc xúc tiến đối thoại giữa các nước Đông Nam Á sẽ tạo thêm cơ hội cho các nước trong khu vực phát triển mạnh mẽ hơn về kinh tế nếu các chính sách tiền tệ và tài khóa của họ có sự phối hợp trên tầm khu vực./.