Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lạm phát là do chi tiêu công quá mức

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Yếu tố tiền tệ, chi tiêu công quá mức và phân bổ vốn thiên lệch ở khu vực thị trường được các chuyên gia xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát trong thời gian vừa qua.

KTĐT - Yếu tố tiền tệ, chi tiêu công quá mức và phân bổ vốn thiên lệch ở khu vực thị trường được các chuyên gia xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát trong thời gian vừa qua.

Lạm phát luôn hơn cao mức tăng trưởng

Lạm phát thực sự đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 4/2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam đã tăng tới 9,64%, đã cao hơn mục tiêu kiềm chế ở 7% mà Quốc hội thông qua đầu năm.

Nhận diện về tình hình này, tại buổi giao lưu trực tuyến mới đây với chủ đề: “Lạm phát 2011: Nhận diện và giải pháp”, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du (thuộc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright) cho rằng, trong thời gian qua, lạm phát của Việt Nam luôn cao hơn một cách bất thường so với các nước trong khu vực. Trong khi ở các nước này nhìn chung mức lạm phát luôn thấp hơn mức tăng trưởng GDP (cụ thể là hầu hết đều dưới 5%) từ năm 2004 đến nay, thì lạm phát ở Việt Nam luôn cao hơn tăng trưởng GDP.

Ông Du chỉ ra rằng, nguyên nhân cơ bản của lạm phát ở Việt Nam chính là yếu tố tiền tệ. Nói một cách khác nguồn vốn đã không được sử dụng hiệu quả do: đầu tư công quá mức; sự thiên lệch trong việc phân bổ vốn ở khu vực doanh nghiệp; và cuối cùng là việc theo đuổi chính sách ổn định tỷ giá đồng tiền trong bối cảnh lạm phát luôn tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Không thể phủ nhận sự cần thiết của đầu tư công song nhà nước chỉ nên tham gia vào những lĩnh vực đem lại lợi ích lớn cho cả nền kinh tế mà tư nhân không có động cơ để làm hoặc làm không có hiệu quả. “Nhưng trên thực tế, nhà nước đã tham gia quá nhiều vào các hoạt động kinh tế và nhiều khi còn cạnh tranh và chèn lấn khu vực tư nhân.” - ông Du nhận định.

Cũng liên quan đến đầu tư công, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương bổ sung thêm: “Lạm phát của Việt Nam bắt nguồn từ mô hình tăng trưởng và cách thức mà chúng ta sử dụng để đạt được mục đích tăng trưởng. Tăng trưởng của chúng ta cho đến nay chủ yếu vẫn dựa vào mở rộng đầu tư, nhưng đầu tư nhìn chung lại kém hiệu quả, nhất là đầu tư nhà nước.”

Hiện tượng lựa chọn ngược khi lãi suất cao

Theo nhận định của ông Du, lãi suất cao là kết quả của lạm phát cao và việc thắt chặt tiền tệ của Ngân Hàng Nhà nước. Lãi suất cao, đầu tư sẽ giảm do vậy sẽ giảm áp lực tăng giá trong trước mắt. Tuy nhiên, khi đầu tư giảm sẽ dẫn đến tăng trưởng giảm đó là tác động trực tiếp của lãi suất cao.

Ở đây có một vấn đề cần quan tâm là hiện tượng lựa chọn ngược và rủi ro đạo đức (tâm lý ỷ lại) khi lãi suất bị đẩy lên cao. Theo ông Du, khi lãi suất cao, những hoạt động kinh doanh thông thường với suất sinh lợi kém, rủi ro vừa phải không thể đi vay được vì suất sinh lợi không bù đắp được chi phí lãi vay. Chỉ những khoản đi vay có rủi ro cao kèm với suất sinh lợi cao mới có thể vay được. Hiện tượng này gọi là lựa chọn ngược.

Hơn thế, đối với những người đi vay, do lãi suất cao, để có thể bù đắp được chi phí lãi vay nên người ta có xu hướng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh rủi ro cao hơn để mong có được một suất sinh lợi tương ứng.

Nếu vòng xoáy trên cứ tiếp tục thì cuối cùng hầu hết các khoản vay đều là những khoản vay có rủi ro hay không trả được nợ cao. Hậu quả là nợ xấu ngân hàng cao và đến một lúc nào đó các ngân hàng có thể mất thanh khoản kéo theo toàn hệ thống sụp đổ do hiệu ứng dây chuyền.

Do vậy, song song với việc cải thiện môi trường kinh doanh thì việc duy trì mức tăng giá hay lạm phát thấp là vấn đề cốt lõi đối với một nền kinh tế và là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của chính phủ.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, trong năm nay, nếu Chính phủ kiên trì thắt chặt tài khóa và tiền tệ thì nguyên nhân cầu kéo (do mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ) lạm phát sẽ dần được loại trừ.

Tuy vậy, nếu không khởi động trên thực tế quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thì nguyên nhân sâu xa của lạm phát vẫn còn nguyên, và nguy cơ lạm phát do cầu kéo sẽ quay trở lại.