Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Lạm phát năm 2015 thấp không phải do sức mua giảm"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của bà Vũ Thị Thu Thuỷ- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) tại buổi họp báo công bố chỉ số CPI quý 4 và cả năm 2015 tổ chức sáng 24/12.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) vừa công bố ngày 24/12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2015 tăng 0,02% so với tháng trước, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng thấp nhất trong vòng 14 năm qua và cũng thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu 5% đề ra từ đầu năm. CPI bình quân năm 2015 so với năm 2014 tăng 0,63%.

Chia sẻ về diễn biến chỉ số giá tiêu dùng CPI trong năm 2015 và dự báo năm 2016, tại buổi họp báo công bố chỉ số CPI quý 4 và cả năm 2015 tổ chức sáng 24/12, bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) khẳng định: “Lạm phát năm 2015 thấp không phải do sức mua giảm, tổng cầu giảm mà do chi phí đẩy tăng thấp thông qua việc quản lý chặt các mặt hàng thiết yếu của cơ quan quản lý”. Những tháng gần đây, sức mua của người dân đang tăng, trong khi các chi phí sản xuất thấp là yếu tố rất có lợi cho DN và nền kinh tế.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Cũng theo đại diện Tổng cục Thống kê, lý do chính khiến CPI cả năm tăng thấp vẫn là do giá các mặt hàng thiết yếu, y tế, giáo dục cũng như giá dầu thô giảm liên tục. Trả lời câu hỏi vì sao CPI thực tế 2015 thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra, bà Thủy cho biết, trong năm đầu của kế hoạch 5 năm (2010 – 2015) lạm phát tăng khá cao (trên 18%) và thường kéo dài khá lâu so với diễn biến thấp nên Quốc hội đặt ra mục tiêu lạm phát năm nay 5% cũng là xuất phát từ đó. 

Trước câu hỏi tại cuộc họp báo về việc liệu lạm phát thấp có ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định: “Giá chỉ là một yếu tố kích thích các nhà sản xuất, yếu tố sức mua mới là quan trọng”. Khi CPI tăng thấp thì chi tiêu của người dân không bị ảnh hưởng nhiều, từ đó làm tăng tổng cầu khiến cho nền kinh tế vẫn tăng trưởng.

Chính vì vậy, giá ổn định, tổng cầu tăng là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng bền vững. Ông Lâm ví dụ: “Nếu bán 5 sản phẩm lãi mỗi cái 1,5 đồng chắc chắn không bằng bán được 10 sản phẩm lãi 1 đồng/sản phẩm”.

CPI năm 2015 tăng thấp, song theo đại diện Tổng cục Thống kê chu kỳ CPI thấp thường không kéo dài, do đó năm 2016 với việc xuất hiện nhiều yếu tố tăng thì CPI cả năm tới sẽ tăng cao trở lại. Do đó, nếu Chính phủ không có điều hành phù hợp thì rất có thể lạm phát sẽ tăng cao trong năm tới. Một số yếu tố có thể làm CPI 2016 tăng, gồm: học phí, dịch vụ y tế và một số dịch vụ công đều tăng; điều chỉnh giá điện; tăng lương cơ bản (từ 1/5/2016)... 

Nhưng tình hình cũng không quá đáng ngại vì bên cạnh những yếu tố khiến CPI tăng trở lại thì vẫn có một số yếu tố “ghìm” CPI tăng không cao, chẳng hạn như giá dầu thô được dự báo tiếp tục giảm do sản lượng của thế giới đang tăng mạnh; giá nông sản thế giới cũng được dự báo giảm do các đối thủ cạnh tranh gay gắt.