Kinhtedothi - Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 chỉ tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 4,31% so với cùng kỳ năm 2013. Trước đó, 2 trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận mức tăng CPI tháng 8 rất thấp, lần lượt là 0,19% và 0,05%.
Hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng
Theo đó, CPI 8 tháng đầu năm nay chỉ tăng nhẹ 1,84% so với tháng 12/2013 - thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2004 đến nay, CPI bình quân 8 tháng tăng 4,73% so với cùng kỳ năm 2013, thấp xa so với CPI bình quân cùng kỳ từ năm 2004 - 2013 (gần 7,82%).
Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng năm 2014 tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua hàng tại Siêu thị Co.opmart tại Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh
|
Với diễn biến CPI 8 tháng đầu năm và lường định các yếu tố tác động từ nay đến cuối năm, hầu hết các chuyên gia dự đoán cả năm 2014, CPI chỉ tăng khoảng 5%. Nếu như vậy, con số này có 3 điểm đáng lưu ý: Thấp hơn 2 năm trước; sẽ là năm thứ ba liên tiếp tăng chậm lại, chấm dứt chu kỳ 2 năm tăng cao, một năm tăng thấp trong 8 năm (từ 2004 - 2011); thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 (tăng 7%) theo Nghị quyết của Quốc hội.
Việc CPI tăng thấp trong 8 tháng qua và khả năng tăng thấp trong cả năm 2014 là cơ hội cho các chủ thể trên thị trường. Với chủ thể có tầm quan trọng hàng đầu trên thị trường hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng là người tiêu dùng, CPI tăng thấp là cơ hội để nới lỏng việc "thắt lưng buộc bụng", tăng việc mua sắm hàng tiêu dùng, mua sắm xe cộ, nhà cửa… góp phần giảm tồn kho cho các thị trường này. Và, trong số người tiêu dùng có một bộ phận "có bát ăn bát để", có một lượng tiền nhàn rỗi để dành theo kiểu "tích cốc phòng cơ" hoặc không biết đầu tư vào đâu sẽ tiếp tục gửi vào ngân hàng. Tuy lãi suất tiết kiệm đã giảm từ 0,5 - 1,5% so với cuối năm trước, nhưng đây vẫn là kênh ít rủi ro, thậm chí khéo chọn kỳ hạn gửi vẫn có lãi suất thực dương. Điều đó cũng lý giải, sau 7 tháng, tiền gửi VND tăng tới 7,92% - cao hơn nhiều so với tốc độ tăng dư nợ tín dụng (3,68%).
Còn đối với các nhà sản xuất kinh doanh, CPI tăng thấp tạo ra những cơ hội cần tận dụng. Rõ nhất là khả năng tiếp cận vốn, khi các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, xử lý nợ xấu để tăng tín dụng… Khi CPI tăng thấp, nếu người tiêu dùng coi đó là cơ hội để chi tiêu cho việc mua hàng hóa, dịch vụ, thì đó cũng là cơ hội để người sản xuất, kinh doanh tăng tiêu thụ, giảm tồn kho, thu hồi vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Khi CPI tăng thấp, chứng khoán ấm lên và đã 2 lần đạt tốc độ tăng trên 20% - một tốc độ tăng hiếm thấy trong nhiều năm nay. Đối với thị trường bất động sản, đây là thời cơ để đón lõng thời điểm thị trường phục hồi tương đối đầy đủ, dự báo có thể từ giữa năm 2015 trở đi.
Tạo dư địa trong hoạch định chính sách
Với các cơ quan hoạch định và quản lý, điều hành vĩ mô, CPI tăng thấp cũng là cơ hội để triển khai các chính sách từ nay đến cuối năm. Các cơ hội này có thể được nhìn nhận trên các góc độ khác nhau. Rõ nhất là việc có thể yên tâm hơn với việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát - mục tiêu quan trọng thứ hai trong các mục tiêu tổng quát của năm nay. Khi đã yên tâm hơn đối với 2 mục tiêu đầu (ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát), có thể tập trung hơn cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5,8% (cao hơn năm trước) theo mục tiêu do Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Yên tâm hơn, tập trung hơn nhờ dư địa chính sách, giải pháp rộng hơn về nhiều mặt.
Về chính sách tài khóa, sau 7 tháng, tỷ lệ so với dự toán cả năm và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của tổng thu cao hơn của tổng chi, nên có điều kiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường bằng các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn một số khoản thu ngân sách; Hỗ trợ lãi suất đầu tư hoặc cho vay tạm trữ sản phẩm khi giá cả xuất khẩu bị sụt giảm; Huy động trái phiếu Chính phủ với lãi suất thấp hơn để phục vụ cho đầu tư công…; Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường bằng việc hạ lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, xử lý nợ xấu, tăng tốc độ cho vay…; Thực hiện lộ trình giá thị trường (kể cả tăng và giảm) đối với một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; Thực hiện các mục tiêu xã hội, các mục tiêu có tính dài hạn, như tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược…
Nếu CPI thấp hơn năm trước, thấp hơn mục tiêu và kinh tế vĩ mô ổn định, nếu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước và đạt được mục tiêu, thì năm 2014 sẽ đạt kết quả kép.