Trong đó, một điểm đáng chú ý là Dự Luật đã quy định rõ hơn tính đặc thù trong hoạt động giám sát, về phạm vi giám sát, đối tượng, nội dung, hình thức giám sát; quy định cụ thể hơn quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong hoạt động giám sát cũng như quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chịu sự giám sát để tránh trùng lặp với giám sát của cơ quan dân cử.
Nhiều ý kiến trong UBTV Quốc hội tán thành với việc Dự Luật xác định giám sát của Mặt trận là giám sát xã hội, mang tính Nhân dân nhằm hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước. Kết quả giám sát được thể hiện thông qua kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Cùng với đó, Dự Luật cũng bổ sung thêm để làm rõ hơn trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong hoạt động phản biện xã hội cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phản biện của Mặt trận; đồng thời, sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật ban hành văn bản pháp luật cần cụ thể hóa vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đối với dự thảo các văn bản pháp luật. Vấn đề này được UBTV Quốc hội nhận xét, Dự Luật đã quy định đối tượng phản biện xã hội là dự thảo chính sách, pháp luật của Nhà nước, còn đối tượng của giám sát là chính sách, pháp luật hiện hành. Như vậy, đối tượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đã bao quát hết chính sách, pháp luật của Nhà nước đang ở trong giai đoạn dự thảo, cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện. Quy định như vậy là phù hợp với vị trí, vai trò cũng như thực tiễn hoạt động của Mặt trận trong thời gian qua.
Về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào Dự Luật quy định MTTQ Việt Nam có trách nhiệm tiếp công dân; có quyền vận động, quyên góp, quản lý sử dụng quỹ; quyền tham gia nhận xét đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn để phục vụ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, các thành viên UBTV Quốc hội cho rằng: Luật Tiếp công dân đã có quy định: Ủy ban MTTQ Việt Nam có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân phù hợp với quyền, trách nhiệm của mình. Theo đó, trách nhiệm tiếp công dân của MTTQ vẫn được thực hiện mà không cần thiết phải bổ sung quy định về nội dung này trong Dự Luật. Riêng với thẩm quyền của MTTQ trong việc vận động, quyên góp, quản lý sử dụng quỹ, ở nước ta rất nhiều loại quỹ được quy định tại nhiều văn bản luật chuyên ngành với những nguồn hình thành, cơ chế, chủ thể quản lý khác nhau. Vì vậy, nếu bổ sung quy định vai trò, trách nhiệm của MTTQ trong vấn đề này, sẽ rất khó bao quát hết các loại quỹ với nguồn hình thành, cơ chế, chủ thể quản lý hết sức phong phú và đa dạng như hiện nay. Do đó, đề nghị chưa luật hóa vấn đề này.
Chiều cùng ngày, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, chỉnh lý, tiếp thu Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Nguyễn Doãn Khánh phát biểu ở tổ về dự Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), chiều 5/11. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
|
Giải đáp băn khoăn về việc, Mặt trận là đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho Nhân dân, là giám sát toàn dân, nên giám sát phải độc lập, không phải chỉ hỗ trợ cho thanh tra, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Tính chất giám sát của Mặt trận là giám sát Nhân dân, khi nào Nhân dân thấy rằng những vấn đề mà hoạt động của Nhà nước chưa đáp ứng thì Mặt trận sẽ tham gia giám sát thêm. Mục tiêu của giám sát là nhằm phát hiện những yếu kém, những điển hình tiên tiến chứ không phải Mặt trận né tránh. |