Trước thông tin phản ánh về tình trạng xây dựng công trình nghỉ dưỡng không phép trong khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì, ngay trong ngày 29/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức ngay đoàn thanh tra, kiểm tra, làm rõ sự việc này.
Tại buổi làm việc ngày 29/2, ông Đỗ Hữu Thế - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì cho biết, Khu du lịch nghỉ dưỡng có tên Le Mont Bavi Resort & Spa đã được xây dựng ở cốt 600m giữa Vườn Quốc gia Ba Vì là sự hợp tác liên kết giữa Vườn Quốc gia Ba Vì và Công ty TNHH Phát triển công nghệ (CFTD) từ năm 2008. Theo hợp đồng liên kết giữa hai bên, việc liên kết này nhằm kinh doanh du lịch sinh thái, kết hợp với bảo vệ và phát triển rừng trong thời hạn 53 năm kể từ ngày 10/9/2008 - 10/9/2061. Theo đó, bên Vườn Quốc gia Ba Vì sẽ giao lại cho bên Công ty TNHH Phát triển công nghệ 53ha rừng và các công trình hạ tầng ở khu vực độ cao 600 - 700m cùng với 3,05ha rừng ở độ cao 800m để bên DN quản lý và xây dựng các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái… trong thời gian 3 năm từ ngày 10/9/2008 - 10/9/2011.
Ông Thế cũng cho biết, khi DN tiến hành xây dựng các công trình nghỉ dưỡng thì Bộ NN&PTNN cũng có quyết định phê duyệt “Quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể phân khu hành chính dịch vụ I - Vườn Quốc gia Ba Vì”. Trong đó có diện tích đất rừng được Vườn Quốc gia Ba Vì cấp cho DN sử dụng khai thác xây dựng khu resort trên. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động của dự án này. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc công trình nghỉ dưỡng trên đã được cấp phép xây dựng chưa mà hiện nay hầu hết các hạng mục công trình đều đã hoàn thành và đang trong quá trình chạy thử trước khi khai trương, ông Thế tỏ ra khá lúng túng. “Theo tôi được biết, hiện nay, công trình này đang còn thiếu một số “giấy tờ” nên trong quá trình công trình được thi công, lãnh đạo Vườn Quốc gia và lực lượng kiểm lâm cũng đã một số lần yêu cầu phải tạm dừng” – ông Thế cho hay.
Trước sự việc trên, ngày 29/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức ngay đoàn thanh tra, kiểm tra, làm rõ việc xây dựng công trình trái phép tại Vườn Quốc gia Ba Vì, báo cáo kết quả trước ngày 4/3. Đồng thời, chỉ đạo Vườn Quốc gia Ba Vì yêu cầu các chủ đầu tư đình chỉ ngay việc thi công xây dựng công trình trái phép từ ngày 1/3. Trong một diễn biến khác, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị chiều 29/2, một lãnh đạo huyện Ba Vì cho biết, địa phương chỉ được bàn giao diện tích thuộc Vườn Quốc gia Ba Vì ở cốt 100m trở xuống phục vụ sản xuất nông nghiệp. Còn tình trạng xây dựng trái phép resort như thông tin được nêu là ở cốt 600m, thuộc thẩm quyền quản lý của Vườn Quốc gia Ba Vì. Hơn nữa, khi triển khai xây dựng các dự án trong khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì, địa phương cũng không được tham khảo ý kiến.
Vườn Quốc gia Ba Vì được thành lập ngày 16/1/1991 theo Quyết định số 17/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) phê duyệt luận chứng kinh tế thành lập Khu rừng cấm quốc gia Ba Vì. Đến ngày 18/12/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 407/CT về việc đổi tên Rừng cấm Quốc gia Ba Vì thành Vườn Quốc gia Ba Vì. Tháng 5/2003, Vườn Quốc gia Ba Vì được Chính phủ quyết định mở rộng quy hoạch sang tỉnh Hòa Bình. Hiện nay, tổng diện tích của Vườn là 10.814,6ha thuộc địa giới hành chính của 16 xã thuộc 3 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai của TP Hà Nội và 2 huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn của tỉnh Hòa Bình, cách trung tâm Thủ đô 60km về phía Tây.
Vườn Quốc gia Ba Vì là đơn vị sự nghiệp có thu thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), có chức năng là trồng, bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, nghiên cứu khoa học kết hợp với tham quan, học tập và du lịch.
Kinhtedothi - Công trình nghỉ dưỡng được xây dựng trên khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì. Ảnh: Văn Phúc |