Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm rõ hành vi ACB ủy thác gửi tiền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/12, TAND Tối cao tiếp tục mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm.

Bị cáo Phạm Trung Cang cho biết: Bản án sơ thẩm xét xử bị cáo không oan nhưng quá nặng nên xin HĐXX xem xét được giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Lê Vũ Kỳ kiến nghị HĐXX xem xét cho bị cáo về mặt nhận thức và mức tham gia thụ động vào các quyết định của HĐQT.
Làm rõ hành vi ACB ủy thác gửi tiền - Ảnh 1
Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn xin HĐXX đánh giá khách quan, tránh những bất lợi cho bị cáo. Nếu bị kết án, bị cáo xin HĐXX xem xét yếu tố về nhân thân, gia đình, để được hưởng án treo.

Bị cáo Trịnh Kim Quang cho rằng, thời điểm nhân viên gửi tiết kiệm gây thiệt hại số tiền hơn 718 tỷ đồng, bị cáo không còn là thành viên HĐQT của ACB cho nên không chịu trách nhiệm về hậu quả này.

Trả lời câu hỏi về cơ sở đề xuất việc ủy thác gửi tiền, bị cáo Lý Xuân Hải cho biết: “Trong bối cảnh năm 2010, NHNN có những hạn chế tín dụng để kiềm chế lạm phát và ACB có khả năng huy động vốn có số dư nhất định. Chúng tôi bàn về an toàn của ACB”. Bị cáo không nhớ chính xác từng câu chữ của từng người trong cuộc họp nhưng bàn không lâu. Thời điểm đó, bàn nội dung này có sự thống nhất của HĐQT và HĐTV sáng lập với mục tiêu: An toàn là số 1 và đảm bảo khả năng chi trả. Sau khi bàn nội dung huy động vốn, bị cáo là người đề xuất mang tiền đi gửi ở tổ chức tín dụng khác. Tất cả các thành viên HĐQT và HĐTV sáng lập đều đồng ý.

Về việc ACB ủy thác gửi tiền, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho biết: Ngày 22/3/2010, cuộc họp HĐQT diễn ra, trong thời điểm này bị cáo có cuộc họp khác bên cạnh nên bị cáo không tham gia từ đầu. Bị cáo chỉ biết khi ông Trần Xuân Giá biểu quyết nội dung Nghị quyết. Bị cáo không có ý kiến khác về nội dung này. Điều này hoàn toàn khác với nhận định của VKS là bị cáo đã chỉ đạo các thành viên HĐQT thông qua Nghị quyết ủy thác, cáo trạng ghi là bị cáo đồng ý, đồng thuận. Các từ này đều không đúng bản chất sự việc ngày hôm đó. Vì bị cáo không có thẩm quyền này. Quyền này chỉ thuộc các thành viên HĐQT. Đánh giá thiệt hại hay không thiệt hại gửi tiền, quan điểm cá nhân bị cáo cho rằng, ACB không thiệt hại và chưa thiệt hại. Nếu nhìn tổng thể, ACB không thiệt hại, tổng thu từ Nghị quyết ngày 22/3/2010 hơn 3.000 tỷ đồng. Nếu vì lý do gì đó, không thu được 718 tỷ đồng thì đó là tổn thất kinh doanh, trừ đi thì ACB vẫn thu được hơn 2.000 tỷ đồng…

HĐXX hỏi đại diện NHNN về chủ trương ủy thác cho nhân viên đem tiền đi gửi ở ngân hàng khác có đúng không? Vị đại diện này cho biết: "Việc ủy thác là trái Điều 106 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010".