Làm rõ kháng cáo của những người có liên quan

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm. HĐXX tập trung xét hỏi về kháng cáo đối với tài sản bị kê biên của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Sáng 23/12, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm. HĐXX tập trung xét hỏi về kháng cáo đối với tài sản bị kê biên của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong đó, đáng chú ý, kháng cáo của Huyền Như đối với biệt thự trị giá 43 tỷ đồng mà bản án sơ thẩm tuyên kê biên, phát mãi để đảm bảo thi hành án.

Tòa xem xét kháng cáo của bà Vũ Thị Kim Thịnh (SN 1982, trú tại TP Hồ Chí Minh), đề nghị trả lại căn nhà ở khu chung cư Orient Apartment (quận 4). Theo bán án sơ thẩm, căn nhà ở khu chung cư này là 1/12 bất động sản của Huyền Như bị tòa sơ thẩm ra quyết định phong tỏa. HĐXX, đại diện VKS, luật sư thẩm vấn về tính pháp lý đối với nguồn gốc căn nhà... Quan điểm của VKS đưa ra cho rằng, việc chuyển tiền không có nội dung chưa phản ánh lên được sự việc. Bà Vũ Thị Kim Thịnh và Huyền Như ngoài quan hệ trong mua bán căn nhà thì theo VKS, giữa hai người này còn có mối quan hệ khác.

Đối với kháng cáo của bà Lê Thị Ngọc Nga (ở quận 7, TP Hồ Chí Minh, người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan) đề nghị HĐXX buộc VietinBank trả lại 146 tỷ đồng và lãi suất phát sinh và giải tỏa kê biên biệt thự đã kê biên. HĐXX cho rằng, số tiền này tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét nên cấp phúc thẩm không thể xem xét. Do vậy, bà Nga có thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác.

Ông Nguyễn Duy Quang (chồng của bị cáo Nguyễn Thị Lành) kháng cáo đề nghị xem xét và hủy bỏ kê biên đối với 2 sổ tiết kiệm mang tên Nguyễn Duy Quang. Ông Quang cho biết, trong 5 sổ tiết kiệm bị kê biên thì có 2 sổ tiết kiệm tổng cộng số tiền 5,9 tỷ đồng là của riêng cá nhân ông dành dụm được, không phải tiền của bà Lành. Theo ông Quang, sổ tiết kiệm được mở từ năm 2011.

Tại thời điểm đó tuy ông và bị cáo Lành là vợ chồng nhưng toàn bộ số tiền này là của riêng ông. HĐXX yêu cầu ông Quang đưa ra tài liệu chứng minh tiền này là của riêng ông trong thời kỳ hôn nhân thì ông Quang không đưa ra được tài liệu gì, chỉ nói đây là tiền ông dành dụm từ năm 1978.

HĐXX cho rằng, nếu không có tài liệu gì chứng minh về tài sản này là tài sản riêng, thì tài sản này vẫn nằm trong khối tài sản chung với bị cáo Lành, nếu nó không liên quan đến tài sản do bị cáo Lành phạm tội mà có và dù cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên thì quyền lợi của ông Quang vẫn được đảm bảo. Nếu ông Quang không chứng minh được đây là tài sản riêng của ông trong thời kỳ hôn nhân thì việc kháng cáo này không có cơ sở để xem xét...

Liên quan đến kháng cáo đòi biệt thự của bà Nguyễn Thị Lang - mẹ của bị cáo Huyền Như. Trước đó, ở những ngày đầu của phiên tòa phúc thẩm, Huỳnh Thị Huyền Như cũng đã có đề nghị tòa xem xét kháng cáo xin lại căn biệt thự Villa H2 The Nam Hải (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, được định giá 43 tỷ đồng). Tại tòa, bị cáo Như tiếp tục nhắc lại: "Bị cáo không kháng cáo mà chỉ xin lại căn nhà cho mẹ". Theo Huyền Như, đó là tài sản của bà Nguyễn Thị Lang. Khi HĐXX mời bà Lang đến để hỏi về nội dung kháng cáo này thì bà Lang không có mặt tại tòa.

Để làm rõ kháng cáo đòi biệt thự, chủ tọa hỏi Huyền Như việc tại sao nhà của mẹ mà bị cáo lại bán? Bị cáo Như nói: "Nhà của mẹ bị cáo, Như chỉ thế chấp cho người khác để vay tiền chứ không bán". Liên quan biệt thự này, bà Nguyễn Thị Ngọc Nga (người đã nhận thế chấp nhà để cho Huyền Như vay tiền, đã bị bản án sơ thẩm kiến nghị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Cho vay nặng lãi) cho biết, hiện toàn bộ giấy tờ nhà bà đang nắm giữ do có giao dịch với Huyền Như...

Hôm nay, 24/12, tòa tiếp tục làm việc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần