Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm rõ những thủ đoạn lừa đảo của Huyền Như và đồng phạm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bị cáo Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm ngày 17/12. Ảnh: Phùng Bắc

Ngày 17/12, phiên xử phúc thẩm của TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục ngày xét xử thứ ba vụ án Huyền Như và đồng phạm lừa đảo 4.000 tỷ đồng. Phiên tòa xoay quanh phần xét hỏi về số tiền Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt của Công ty CP Chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS) và một số công ty khác…

Giả con dấu, hợp đồng để lừa đảo

Theo đại diện SBBS, Công ty gửi tiền trực tiếp vào tài khoản mở tại VietinBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi gọi hỏi bị cáo Huyền Như, bị cáo này cho biết, thông qua Vũ Minh Hải (là người môi giới) nên bị cáo biết SBBS có nguồn tiền muốn gửi vào VietinBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh nên bị cáo đã gặp và trao đổi về mức tiền gửi và lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng là 14%/năm và lãi ngoài là từ 16 - 18%/năm.

 
Bị cáo Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm ngày 17/12. Ảnh: Phùng Bắc
Kinhtedothi - Bị cáo Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm ngày 17/12. Ảnh: Phùng Bắc
Tại phiên tòa, bị cáo Huyền Như thừa nhận đã làm giả 14 hợp đồng, mẫu dấu, chữ ký giả ủy thác đầu tư phụ lục hợp đồng kèm theo được ký giữa SBBS với VietinBank chi nhánh Nhà Bè. Bị cáo cũng là người ký giả chữ ký của Hà Anh Tuấn (Giám đốc) và Võ Anh Tuấn (Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè)… Bị cáo đóng dấu giả VietinBank chi nhánh Nhà Bè để huy động 225 tỷ đồng của SBBS. Sau khi làm giả các hợp đồng, bị cáo bắt đầu thực hiện làm lệnh chi giả, ký giả chữ ký của chủ tài khoản là bà Yeipheek Joo - Tổng Giám đốc SBBS và đóng dấu giả của SBBS rồi chiếm đoạt 225 tỷ đồng của SBBS. Đến nay, bị cáo đã trả cho SBBS 22 tỷ đồng (trong đó, tiền gốc là 15 tỷ đồng, tiền lãi 7 tỷ đồng). Bản án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Huyền Như phải hoàn trả 210 tỷ đồng cho SBBS.

SBBS có kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm liên quan đến SBBS, đề nghị HĐXX phúc thẩm yêu cầu VietinBank hoàn trả toàn bộ số tiền cho SBBS. Tuy nhiên, tại phiên tòa, đại diện VietinBank cho biết, VietinBank không chịu trách nhiệm về số tiền này.

Trong "phi vụ" lừa đảo, chiếm đoạt 125 tỷ đồng của Công ty Toàn Cầu, bị cáo Huyền Như cũng thừa nhận đã ký giả 5 hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Công ty Toàn Cầu với VietinBank chi nhánh Nhà Bè, ký giả chữ ký của Hà Tuấn Anh (Giám đốc) và Võ Anh Tuấn (Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè) rồi yêu cầu Công ty Toàn Cầu chuyển 125 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty. Bị cáo tiếp tục làm lệnh chi giả chiếm đoạt toàn bộ 125 tỷ đồng của Công ty Toàn Cầu. Bản án sơ thẩm xác định, toàn bộ số tiền này đã bị Huyền Như chiếm đoạt và buộc bị cáo phải bồi thường. Tuy nhiên, Công ty Toàn Cầu đã kháng cáo yêu cầu VietinBank phải hoàn trả toàn bộ số tiền trên kèm lãi.

Đại diện VietinBank cho rằng, việc Công ty Toàn Cầu gửi tiền vào VietinBank là trái luật, bản thân Công ty Toàn Cầu hám lợi, không quản lý biến động của tài khoản, vì vậy, VietinBank khẳng định không chịu trách nhiệm vì giao dịch này là bất hợp pháp.

Dùng chiêu vượt trần lãi suất để “nhử mồi”

Tại Tòa, HĐXX tiếp tục thẩm vấn việc bị cáo Huyền Như chiếm đoạt tiền của Công ty CP Đầu tư An Lộc (Công ty An Lộc) và Công ty CP Chứng khoán Phương Đông (Công ty Phương Đông). Theo bản án sơ thẩm, bị cáo đã dùng thủ đoạn chiếm đoạt của 2 công ty này số tiền 550 tỷ đồng.

HĐXX nhận định, vẫn bằng thủ đoạn dùng vượt trần lãi suất làm "mồi nhử", bị cáo Huyền Như đã chiếm đoạt tài sản của Công ty An Lộc. Bị cáo khai nhận không làm việc trực tiếp với Công ty An Lộc mà đã đàm phán với chị Thanh Phương (làm ở TPBank). Lãi suất chênh lệch thì bị cáo không còn nhớ rõ, nhưng với chị Thanh Phương, bị cáo khai trích tỷ lệ chênh lệch 1 - 2,5% nằm ngoài hợp đồng. Đối với việc rút tiền, bị cáo khai, sử dụng lệnh chi giả, ký giả chữ ký của lãnh đạo Công ty An Lộc để trả nợ… Bị cáo cũng khai, khi mở tài khoản, hồ sơ pháp lý của Công ty An Lộc thiếu nên phải làm giả giấy tờ. Và để Công ty An Lộc chuyển tiền vào tài khoản, bị cáo phải trích số tiền vượt trần trước cho chị Thanh Phương.

Về vấn đề này, đại diện VietinBank cho rằng, giữa VietinBank và Công ty An Lộc chưa phát sinh quan hệ gửi - giữ. Tiền của Công ty An Lộc chuyển không theo hợp đồng, tiền lãi được hưởng do bị cáo Huyền Như chi trả. Vị đại diện cũng đưa ra quan điểm, việc Như cho mượn tài khoản để sử dụng nguồn tiền của TPBank, bản thân Công ty An Lộc cũng thực hiện hành vi trái pháp luật.Đối với hành vi chiếm đoạt tiền của Công ty Phương Đông, HĐXX xem xét người giúp sức cho bị cáo Huyền Như ký vào lệnh chi. Tuy nhiên, do những người được triệu tập liên quan đến vấn đề này không có mặt tại Tòa, nên HĐXX dừng thẩm vấn vấn đề này. Việc thực hiện các lệnh chi, bị cáo Huyền Như thừa nhận đã dùng các lệnh chi giả để lấy tiền của Công ty Phương Đông…

Hôm nay (18/12), Tòa tiếp tục làm việc.