Trước đó, trên mạng thông tin điện tử có phản ánh thông tin về thi công móng cột điện thuộc Dự án đường dây 220 kV Trực Ninh - Rẽ Nam Định - Ninh Bình (trên địa bàn xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) không bảo đảm chất lượng. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ những thông tin báo nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; nếu có vi phạm, phải xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức liên quan, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Xây dựng và các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình theo quy định của pháp luật, đặc biệt là quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình bảo đảm an toàn, chất lượng và hiệu quả.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 2/6 vừa qua, trả lời báo chí về việc cột điện đường dây 220 kV tại Nam Định cột điện không bảo đảm chất lượng, nhà thầu cho đất vào bê tông, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là dự án mà chủ đầu tư là Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, quản lý dự án là Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Bắc, nhà thầu xây lắp có Công ty liên danh CP Sông Đà 11 và Công ty CP xây lắp Điện 1. Đơn vị trực tiếp thi công phần móng cốt trên là chi nhánh 7 Công ty CP Sông Đà 11. Vị trí cột số 1, số 2, đoạn tuyến từ G1-G3 tại đường dây 220 kV của Ninh Bình-Nam Định do đơn vị này thi công. Nhưng đang thi công thì có văn bản số 168 của Công ty TNHH Quản lý bay thuộc Công ty quản lý bay miền Bắc thông báo tuyến đường dây đi qua đài dẫn đường và đề nghị tạm dừng việc thi công. Như ta đã biết, khi có sự việc xảy ra, đến tận ngày 25/5 (sau khi có thông báo từ ngày 9/3) chúng tôi đi kiểm tra hồ sơ pháp lý thì Công ty CP Sông Đà 11 tự ý thi công vị trí móng số 1 và số 2. Còn về việc xử lý, ngày 1/6 Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam trước hết kiểm tra việc thực hiện quy trình về việc quản lý chất lượng công trình nói trên và làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể liên quan đến công trình và giám sát kỹ thuật công trình như quy định. Thứ hai là làm rõ động cơ Công ty CP Sông Đà 11 tự ý thi công vị trí móng số 1 và số 2 mặc dù đã có biên bản yêu cầu tạm dừng thi công mà vẫn cứ thi công, dẫn đến sự việc như ta đã biết. Bộ Công thương cũng đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát toàn bộ chất lượng thi công các hạng mục công trình do Công ty CP Sông Đà 11 thực hiện. Đồng thời, mời cơ quan an ninh hỗ trợ trong trường hợp cần xác minh rõ nội dung cũng như những phản ánh của nhân dân, làm rõ động cơ của tổ chức và cá nhân liên quan trong quá trình thực hiện. Ngoài công trình do Công ty CP Sông Đà 11 thực hiện thi công, còn nhiều công trình khác đang thi công, Bộ Công thương cũng đã yêu cầu các đơn vị cần rà soát chất lượng công trình cũng như việc thực hiện quy trình, quy định trong thi công. Về hình thức xử lý sai phạm, Ban cán sự Đảng của Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo: Căn cứ theo kết quả kiểm định, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu EVN xử lý các tập thể, cá nhân sai phạm có thể bằng các hình thức cao nhất – kể cả buộc thôi việc, tùy mức độ sai phạm, hoặc có thể chuyển cơ quan điều tra xử lý nếu có dấu hiệu phạm tội. Đối với đơn vị thi công, đã có đề xuất cấm tham gia đấu thầu các hoạt động xây dựng trong thời gian nhất định theo đúng quy định của pháp luật.