Theo các chuyên gia, quần thể danh thắng Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam) đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo quy định của Luật Di sản Văn hóa.
Thực hiện quy định pháp luật
Chiều 12/3, trao đổi với phóng viên KT&ĐT, PGS. TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia khẳng định: “Quá trình xét duyệt đã thực hiện đúng theo quy định của Luật. Xếp hạng đúng theo khu vực thiên nhiên có những giá trị về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học”.
Căn cứ kết quả khảo sát, nghiên cứu về di sản và các quy định của Luật Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL xếp hạng danh thắng Tam Chúc thuộc loại hình danh lam thắng cảnh.
Việc xếp hạng không phải là công nhận những hạng mục, công trình mới được xây dựng cách đây vài năm tại khu vực này như một vài ý kiến đã phản ánh.
Cần được hiểu rõ, danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử thẩm mỹ, khoa học.
Khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù hoặc khu vực thiên nhiên chứa đựng những dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất.
Việc xếp hạng nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, cảnh quan thiên nhiên và xã hội, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các thế hệ, đồng thời đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí của nhân dân địa phương, du khách trong và ngoài nước.
Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành
Trước đó, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành cho biết, quần thể danh thắng Tam Chúc được xếp hạng cấp quốc gia là thuộc loại hình danh lam thắng cảnh. Theo Luật Di sản văn hóa, tiêu chí xếp hạng của loại hình này được quy định: Khu vực cảnh quan thiên nhiên đẹp hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù. Đối chiếu các tiêu chí này, Cục đã hướng dẫn cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam tham mưu với UBND tỉnh về việc khoanh vùng với quy mô khu vực rộng lớn hơn; bám sát khu vực quy hoạch Khu du lịch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Ranh giới khu bảo tồn di sản gồm có các di chỉ khảo cổ, khu danh thắng hồ Tam Chúc - Quền Vồng và rừng nguyên sinh đặc hữu, nơi bảo tồn voọc mông trắng. Ranh giới của khu di sản chủ yếu theo các đặc điểm cảnh quan tự nhiên như thung lũng và suối, phần lớn chiều dài của ranh giới là rìa của khối đá vôi giáp với địa phận tỉnh Hòa Bình và Hà Nội.
“Khu vực xếp hạng có diện tích rộng, gồm núi, rừng, các hang động có sự biến đổi về địa chất, địa mạo; hang động có phát hiện về di chỉ khảo cổ liên quan đến người xưa; khu vực rừng đa dạng về thảm thực vật, rừng có liên quan đến bảo tồn loài voọc mông trắng, loài linh trưởng quý hiếm.
Bên cạnh đó là khu vực mặt nước với giá trị về đa dạng sinh học, rất nhiều loài cá, trong đó có một số loài đặc hữu; cồn giữa đảo, dấu tích liên quan đến lịch sử hình thành, phát triển của người xưa. Các giá trị thẩm mỹ kết hợp giữa núi, rừng, mặt nước… là toàn bộ khu vực được đưa vào diện tích bảo vệ di tích” - ông Trần Đình Thành cho biết.
Có thể kể tới một số di tích quan trọng trong quần thể Tam Chúc như đình Tam Chúc, chùa Tam Chúc cổ, đền Mẫu, đền Giếng. Quần thể danh thắng Tam Chúc còn hàm chứa nhiều giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc. Quần thể danh thắng Tam Chúc đã được quy hoạch là khu du lịch trọng điểm quốc gia, với diện tích 5.100 ha.
Đối chiếu với quy định và tài liệu nghiên cứu nêu trên, Cục Di sản Văn hóa hướng dẫn cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam tham mưu với UBND tỉnh Hà Nam về việc khoanh vùng quy mô khu vực rộng lớn hơn. Hồ sơ chỉnh sửa bám sát khu vực quy hoạch Khu du lịch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Không công nhận công trình mới
Theo các chuyên gia, dư luận phản ứng vì cho rằng Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích quốc gia cho chùa Tam Chúc mới xây dựng. Lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa khẳng định không có chuyện công nhận các công trình mới, công trình không phải yếu tố gốc. Khu vực chùa Tam Chúc mới dù nằm trong vùng lõi cần bảo vệ của quần thể danh thắng nhưng không được xếp hạng di tích lịch sử hay di tích văn hóa nghệ thuật.
“Bộ chỉ công nhận quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc, không xếp hạng di tích lịch sử hay di tích kiến trúc nghệ thuật. Hồ sơ xếp hạng danh thắng chỉ thể hiện các giá trị về đa dạng sinh học, thẩm mỹ, khảo cổ, địa chất, địa mạo…” - ông Trần Đình Thành giải thích.
Ban đầu địa phương chỉ đề nghị công nhận khu vực hồ nước (nơi đặt công trình chùa Tam Chúc mới xây dựng). Tuy nhiên do nhận thấy giá trị về địa chất, địa mạo, cảnh quan nên Bộ VHTT&DL hướng dẫn địa phương mở rộng khoanh vùng bảo vệ lên gấp bốn lần so với đề nghị ban đầu.
Lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa khẳng định: Việc xếp hạng quần thể danh thắng Tam Chúc tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ, phát huy giá trị về khảo cổ, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học ở khu vực này. Điều này đồng nghĩa với việc từ nay, các công trình xây mới trong khu vực khoanh vùng bảo vệ đều phải có ý kiến của ngành văn hóa.
Đề xuất khoanh vùng bảo vệ mới đã mở rộng gấp 4 lần so với đề nghị ban đầu, trong đó, hồ nước chỉ chiếm khoảng 1/4 diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ.
Bộ VHTT&DL chỉ công nhận quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc, không xếp hạng di tích lịch sử hay di tích kiến trúc nghệ thuật. Mặc dù trong quần thể danh thắng này có những công trình quy mô lớn, mới xây dựng cũng nằm trong quần thể này, tương tự như các công trình đang hiện hữu khác như nhà dân, trường học. Tuy nhiên, hồ sơ xếp hạng danh thắng chỉ thể hiện các giá trị về đa dạng sinh học, thẩm mỹ, khảo cổ, địa chất, địa mạo.
Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành