Và để lựa chọn ĐB HĐND đủ tâm, đủ tài cho nhiệm kỳ 2016 - 2021 là vấn đề đang được đặt ra cho cuộc bầu cử lần này.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã tăng thêm quyền lực cho HĐND, tăng cường các ĐB chuyên trách. Đây là cơ sở pháp lý rất tốt cho HĐND hoạt động tốt hơn, nhưng muốn HĐND mạnh, phải chọn ĐB HĐND theo chất lượng. Đánh giá về tiêu chuẩn lựa chọn ĐB HĐND nhiệm kỳ này, ông Trần Ngọc Vinh - ĐB Quốc hội Khóa XIII nhận định, tiêu chuẩn đề ra đã sát sườn với tình hình thực tế hiện nay. Theo quy định phải chọn người có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ ĐB HĐND, không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực, hay như người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết. “Muốn nâng cao chất lượng ĐB HĐND, khi ĐB đang là ứng cử viên phải giới thiệu chương trình hành động tốt trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Không được dùng hình thức vận động, mang tiền để vận động cử tri, mua chuộc cử tri. Các hành động đó là phải cấm theo quy định của pháp luật, và giám sát chặt chẽ tại các buổi tiếp xúc. Ngoài ra cần theo dõi các hoạt động, hành động của các ĐB HĐND tái cử trong 1 - 2 năm hoạt động đó, phải có đánh giá của cử tri vùng đó đối với hoạt động của HĐND” - ông Trần Ngọc Vinh nêu.
Việc tăng ĐB chuyên trách cũng là một tín hiệu được nhiều ý kiến đánh giá cao. Nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng: Khi nào mối quan hệ giữa cử tri và ĐB HĐND còn khoảng cách thì không thể nâng cao chất lượng hoạt động của người ĐB dân cử. Đây là điều mà nhiệm kỳ mới, ĐB HĐND cần khắc phục. Nhiều bức xúc của cử tri địa phương gửi tới ĐB Quốc hội do kiến nghị của họ không được HĐND giải quyết. Tính đại diện của người ĐB Nhân dân cần được làm rõ, chất lượng của ĐB phải được nâng lên.
Từ thực tế hoạt động HĐND tại Hà Nội, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam cho biết: Thường trực, các ban HĐND và ĐB HĐND giữ vai trò nòng cốt, chủ động trong công tác điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động của HĐND. Trong đó, Thường trực cần phát huy tốt vai trò trong điều hòa, phối hợp trong hoạt động thẩm tra, giám sát. Các ban HĐND nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác thẩm tra báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, chủ động rà soát kỹ nội dung, đưa ra những vấn đề còn vướng mắc, chưa đúng quy định của pháp luật giúp cho ĐB có thêm thông tin, định hướng trong việc xem xét, thảo luận và quyết định. “Các ĐB HĐND cần tăng cường đi thực tế tại các địa phương, cơ sở, theo dõi, giám sát các cơ quan chức năng trong việc thực hiện quy định của pháp luật, nghị quyết HĐND, việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Cùng với đó, ĐB cần nghiên cứu sớm tài liệu, văn bản trình tại các kỳ họp HĐND để tham gia ý kiến thảo luận có chất lượng; tích cực tham gia các hoạt động giám sát, hoạt động tiếp xúc cử tri theo quy định” - ông Nguyễn Hoài Nam nhận định. Đồng thời nêu rõ, HĐND các cấp cần quan tâm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực hoạt động của ĐB. Đây cũng là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan dân cử ở địa phương.
Hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐB HĐND, trong đó, vai trò cá nhân của từng ĐB là hết sức quan trọng. Hiện cuộc bầu cử ĐB HĐND các cấp đã bước vào giai đoạn các ứng viên tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, để truyền tải tới cử tri chương trình hành động của mình. Việc nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động của ĐB HĐND các cấp không chỉ là đòi hỏi đặt ra với cuộc bầu cử này, mà việc nâng chất lượng ĐB còn là giải pháp cơ bản để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương.
Cử tri phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm theo dõi thông tin bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Phạm Hùng
|
Theo thống kê của Ủy ban bầu cử TP, Hà Nội có 178 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐB HĐND TP (được bầu 105 ĐB tại 30 đơn vị bầu cử); 1.897 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐB HĐND cấp quận, huyện (được bầu 1.185 ĐB tại 288 đơn vị bầu cử); 26.084 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐB HĐND cấp xã, phường (được bầu 16.045 ĐB tại 4.370 đơn vị bầu cử). |