Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm rõ trách nhiệm dự báo khí tượng thủy văn không chính xác

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ​Làm rõ trách nhiệm dự báo khí tượng thủy văn không chính xác

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật khí tượng thủy văn (KTTV) sáng nay, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật Khí tượng thủy văn trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp như hiện nay để hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý, tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

 
​Làm rõ trách nhiệm dự báo khí tượng thủy văn không chính xác
Kinhtedothi - ​Làm rõ trách nhiệm dự báo khí tượng thủy văn không chính xác
Cùng với sự phát triển KT-XH, nhu cầu về thông tin KTTV ngày càng nhiều và đa dạng, đồng thời, phù hợp với xu thế chung của thế giới, việc cho phép tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV là cần thiết.

Tuy nhiên, do hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV có tác động lớn đến đời sống KT-XH của đất nước, ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, an toàn của người dân, đa số ý kiến các vị ĐBQH đồng ý hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV của tổ chức, cá nhân là hoạt động có điều kiện và phải được cấp giấy phép; đồng thời nhất trí với phương án quy định ngay trong Luật KTTV điều khoản bổ sung vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, phụ lục của Luật đầu tư về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Ngoài ra, Dự thảo luật cần hướng mạnh hơn nữa việc tăng cường thu hút đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực này. Đặc biệt, những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo là vùng đặc thù, các trạm quan trắc phải ở những vị trí, độ cao nhất định mới phản ánh được chính xác tình hình khí tượng thủy văn và sự biến đổi khác.

Liên quan đến hoạt động cảnh báo, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng: Yêu cầu về thông tin dự báo, cảnh báo mới chỉ quy định một chiều, nghĩa là cơ quan khí tượng thủy văn thông báo, dự báo, cảnh báo thiên tai mà không có hoạt động thu nhận mà mới chỉ có hoạt động thu nhận thông tin nước ngoài.

ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nhấn mạnh: dự thảo Luật Khí tượng thủy văn cần yêu cầu chất lượng bản tin dự báo, bổ sung quy định về bảo đảm chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo. Đây là yêu cầu quan trọng nhất trong công tác phòng chống thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, việc dự báo sai gây thiệt hại lớn về người và tài sản hoặc gây lãng phí trong công tác ứng phó với bão, lụt. Do đó, luật cũng cần xem xét, bổ sung quy định trách nhiệm dự báo viên khi dự báo sai gây hậu quả nghiêm trọng.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung quy định rõ nguyên tắc hoạt động KTTV. Theo đó, quan trắc KTTV phải bảo đảm chính xác, liên tục, thống nhất; dự báo, cảnh báo KTTV phải bảo đảm đủ độ tin cậy; thông tin dự báo, cảnh báo KTTV phải được truyền, phát kịp thời, chính xác, đầy đủ.

Về “Quản lý, khai thác mạng lưới trạm KTTV”, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật khí tượng thủy văn đã nêu rõ, mạng lưới trạm KTTV quốc gia do Nhà nước đầu tư nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), phòng, chống thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; bên cạnh đó, không thể thiếu mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng phục vụ mục đích cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển KT-XH. Thực tế trên thế giới, cũng như ở nước ta đã và đang tồn tại các trạm KTTV chuyên dùng. Hơn nữa, cùng với sự phát triển KT-XH của đất nước, việc hình thành và phát triển các trạm KTTV chuyên dùng là một yêu cầu tất yếu khách quan, cần được khuyến khích.  

Do vậy, thống nhất với đa số ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban TVQH đề nghị Quốc hội cho phép quy định các tổ chức, cá nhân được xây dựng, quản lý và khai thác trạm KTTV chuyên dùng như đã quy định trong Dự thảo Luật. Ngoài những vấn đề trên, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban KH,CN&MT, Cơ quan soạn thảo, Thường trực Ủy ban pháp luật và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý các nội dung về giải thích từ ngữ, chính sách của nhà nước đối với hoạt động KTTV, những hành vi bị cấm, quản lý nhà nước về KTTV... và hoàn thiện về kỹ thuật văn bản của Dự thảo Luật.