Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm sao cải thiện việc tuyển sinh ở các trường nghề?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau kỳ thi ĐH-CĐ, các trường nghề bắt đầu tổ chức xét tuyển. Tuy nhiên, tâm lý trọng thầy không trọng thợ khiến các trường nghề rất khó tuyển sinh. Làm thế nào để cải thiện tình trạng đó?

Từ góc nhìn người trong cuộc, TSKH Trần Trung Dũng  - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề du lịch và dịch vụ Hải Phòng (ảnh dưới) trả lời về vấn đề này.

Từ nhiều năm nay, học để thi, để đỗ vào các trường đại học luôn là áp lực đè nặng trên vai phụ huynh và con em. Thậm chí nhiều em phải học, phải thi vì yêu cầu của cha mẹ. Ông lý giải hiện tượng này như thế nào?

- Trước hết đó là hệ lụy của những sai lầm trong hệ thống giáo dục đào tạo quốc dân chưa được phân luồng triệt để theo hai hướng: Đào tạo hàn lâm và đào tạo thực hành. Phụ huynh học sinh cũng nhận thức là phải học “càng cao càng tốt”, nên vẫn tuân theo một “môtip” cũ: Học xong trung học cơ sở là phải học lên trung học phổ thông, phải thi được vào đại học.

Trong khi đó mục tiêu học tập của học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường là sẽ làm gì, thì lại không rõ ràng. Điều này đã gây lãng phí lớn về thời gian học tập của học sinh, tiền bạc đầu tư của cả gia đình, nhà trường và xã hội, tạo nên sức ép thi cử, rồi tiêu cực nảy sinh gây bức xúc trong dư luận xã hội triền miên hết năm này sang năm khác.

Việc phân luồng, chúng ta đã triển khai từ nhiều năm trước nhưng không thành công, theo ông nguyên nhân từ đâu?

- Việc quản lý phân luồng cần được thực hiện nghiêm ngặt bằng các chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ THPT và chỉ tiêu tuyển sinh đại học. Theo tôi, căn cứ vào nhu cầu lao động xã hội và thực trạng của chất lượng đào tạo nghề thì chỉ tiêu học sinh tốt nghiệp THCS chuyển lên học THPT chỉ nên để ở mức 40-50%, số còn lại được chuyển sang học các trường nghề; tiếp đó, chỉ nên để khoảng 10% số học sinh tốt nghiệp THPT được chuyển lên bậc đại học chuyên nghiệp, còn lại được tuyển vào các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề. Đây là việc rất khó, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi ngay từ nhận thức của cả người quản lý, của cả phụ huynh và học sinh.

Làm sao cải thiện việc tuyển sinh ở các trường nghề? - Ảnh 1

Là một Hiệu trưởng trường nghề, theo ông giáo án trong các trường nghề hiện nay cần phải đáp ứng những yêu cầu gì?

- Một giáo án nghề cần được xây dựng trên cơ sở phân tích công việc nhằm vào mục tiêu cụ thể, chính là thực hiện tiêu chuẩn kỹ năng của nghề đó (chứ không bằng con đường tư duy trí tuệ như hiện nay chỉ nặng về lý thuyết). Để đáp ứng đủ các yêu cầu đào tạo là nhiệm vụ xã hội của một ngành nghề nào đó, phải mô tả, giới hạn được nhiệm vụ của nghề; tổng kết lại có bao nhiêu công việc thường xuyên phải thực hiện, quy trình thực hiện như thế nào, điều kiện để thực hiện là gì, thái độ đối với lao động đó ra sao, những lỗi thường gặp và giải pháp khắc phục như thế nào.

Hiện nay, bản thân nhiều trường nghề cũng mắc vào những hạn chế của các trường đại học đào tạo kiểu hàn lâm (thường là dạy lý thuyết suông, chưa chú trọng đào tạo kỹ năng và thái độ lao động đúng, chưa có giáo trình, giáo án phù hợp) nên chưa tạo ra được những “sản phẩm” đào tạo có chất lượng để cung cấp cho thị trường lao động.

Về quản lý nhà nước, tôi cho rằng, cần có bộ tài liệu tiêu chuẩn kỹ năng nghề và xây dựng các trung tâm thẩm định, đánh giá tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia…

Theo ông, các trường nghề phải làm gì để hấp dẫn và học sinh tự nguyện theo học?

- Muốn hấp dẫn học sinh, các trường nghề phải khẳng định được chất lượng đào tạo, có kế hoạch đào tạo các ngành nghề phục vụ nhu cầu lao động của xã hội và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp ra trường có việc làm cao. Về tư duy, chúng ta phải chuyển dạy nghề theo khả năng của cơ sở sang dạy theo nhu cầu của thị trường lao động và xã hội, gắn với phát triển kinh tế.

Các nước phương Tây, đặc biệt là Cộng hòa Liên bang Đức đã áp dụng từ lâu đời con đường phát triển các trường kỹ sư thực hành để tạo cơ hội suốt đời học tập, suốt đời cống hiến cho tầng lớp những người lao động trực tiếp vươn lên, phục vụ xã hội ngày càng tốt hơn.

Mặt khác, sau khi đào tạo, người lao động có kiến thức, kỹ năng và thái độ lao động tốt. Người quản trị lao động giỏi thì phải giác ngộ cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhận thức được giá trị và chất lượng của nguồn nhân lực này để đãi ngộ xứng đáng và nâng cao địa vị xã hội tương đương với sức cống hiến của họ cho xã hội và đất nước.

 
 

Theo ông Dũng, Nhà nước nên xây dựng quy chế cấp 2 bằng trung cấp nghề và trung học phổ thông cho những học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề mà đầu vào là học sinh tốt nghiệp THCS, đảm bảo sự liên thông giữa đào tạo nghề và các bậc học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, nâng cao địa vị xã hội và chế độ đãi ngộ cho những người làm nghề.