Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm sao để người dân coi việc của Đảng cũng như việc của mình

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Khi người dân coi việc của Đảng cũng như việc của mình, khi đó niềm tin của người dân với Đảng sẽ được củng cố.

Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ban hành Quyết định 99, Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng, trước đây một số vấn đề liên quan đến cán bộ không công khai nên người dân không biết để giám sát. Quyết định mới của Ban Bí thư đã phát huy vai trò của nhân dân, là cơ sở quan trọng để nhân dân giám sát cán bộ đảng viên.
Tăng cường đối thoại với dân cũng là cách để người dân tham gia giám sát. Ảnh minh họa, nguồn mattran.org.vn
Ngay sau khi Quyết định 99 của Ban Bí thư được ban hành và phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều ý kiến nhận định, việc ban hành Hướng dẫn đã thống nhất về nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện những nội dung, hình thức công khai để nhân dân biết, đặc biệt là công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định.
Ông Phan Văn Bốn (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho rằng, trong hướng dẫn khung quy định nhiều nội dung phải công khai để nhân dân biết giám sát. Đó là, công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; 19 điều quy định đảng viên không được làm. Đặc biệt, đối với tài sản của cán bộ lãnh đạo, quản lý và đối tượng phải kê khai theo quy định của Nhà nước cũng phải được công khai cho người dân biết để theo dõi tính trung thực, tính chính xác của việc kê khai.
Ông Bốn kiến nghị vấn đề kê khai tài sản phải được làm triệt để hơn, chất lượng việc kê khai thật hơn, chứ không nặng về hình thức như hiện nay.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, việc công khai bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên, là cơ sở quan trọng để nhân dân giám sát cán bộ đảng viên thực hiện việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống.
Theo PGS.TS Hoàng Quốc Bảo, vấn đề quan trọng trong công tác xây dựng đảng là sự tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Bởi không phải lúc nào tổ chức cũng ở bên cán bộ và cũng không phải ai cũng có thể tự nhận ra khuyết điểm của mình. Một khi đã xây dựng được ý thức tự tu dưỡng, đảng viên sẽ có bản lĩnh, ý thức được những việc làm của mình đã đúng chưa, có tổn hại đến lợi ích của người dân không?
Dư luận cũng đánh giá cao hình thức công khai bao gồm: Công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng; cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thông qua hoạt động của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội... Đồng thời cho rằng, việc công khai là rất cần thiết, bởi vì có công khai, minh bạch thì người dân mới có cơ sở để giám sát; nếu chỉ kêu gọi nhân dân giám sát nhưng họ không biết gì về cán bộ lãnh đạo, quản lý thì khó thực hiện được.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: “MTTQ là cơ quan sẽ tổ chức để nhân dân giám sát. Từ các kết luận kiểm tra, kiểm toán thanh tra được công khai, vai trò của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng lãng phí sẽ được nhân lên. Đây cũng là cơ sở để báo chí vào cuộc viết những tin bài phản ánh công tác phòng chống tham nhũng trong cả nước”.
Việc người dân tham gia giám sát đó cũng là quá trình tham gia vào xây dựng Đảng, giúp cho quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đạt hiệu quả. Quyết định 99 của Ban Bí thư là bước đi hướng tới mục tiêu làm sao để người dân coi việc của Đảng cũng như việc của dân, làm tốt vấn đề đó sẽ củng cố niềm tin của người dân với Đảng.