Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm thế nào để kinh doanh hiệu quả?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Câu trả lời của các doanh nghiệp Nhật Bản là phải bắt đầu từ việc kinh doanh có nền tảng, nền tảng ấy là chiến lược, kế hoạch mà doanh nghiệp đã đặt ra thì phải kiên trì theo đuổi và thực hiện.

KTĐT - Câu trả lời của các doanh nghiệp Nhật Bản là phải bắt đầu từ việc kinh doanh có nền tảng, nền tảng ấy là chiến lược, kế hoạch mà doanh nghiệp đã đặt ra thì phải kiên trì theo đuổi và thực hiện.
 
Đã có thời kỳ doanh nghiệp không cần chiến lược mà vẫn có thể thành công, nhưng đó là thời đại của xã hội không có cạnh tranh, kinh doanh độc quyền, hàng hóa thiếu thốn... Tình hình hiện nay đã khác, thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt do có sự hội nhập mạnh mẽ, sở thích của người tiêu dùng hết sức đa dạng. Do đó, xây dựng chiến lược kinh doanh là việc làm cần thiết mà lãnh đạo doanh nghiệp không thể xem nhẹ. Theo ông Tadao Seki – Chuyên gia cao cấp của JICA (Nhật Bản), chiến lược kinh doanh là phương hướng mà công ty phải hướng đến. Lâu nay các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ quan tâm tới mục tiêu trước mắt mà chưa quan tâm tới lộ trình và mục tiêu dài hạn cho công ty. “Đó là một sai lầm rất căn bản của các bạn” – ông Seki chia sẻ.

Mặt khác, kinh doanh thành công có nền tảng từ một triết lý kinh doanh vì cộng đồng. Với các doanh nghiệp Nhật Bản, triết lý kinh doanh thậm chí còn được coi trọng hơn cả chiến lược kinh doanh vì nó chính là xuất phát điểm của doanh nghiệp. Mỗi khi doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn và thách thức thì triết lý kinh doanh là điểm để doanh nghiệp quay lại, xem xét và tìm ra nguyên ngân của sự thất bại. Có thể nói, triết lý kinh doanh định hình nên kế hoạch và chiến lược kinh doanh trung hạn và dài hạn của công ty.

Toyota, Honda, Sony, Panasonic... là những thương hiệu khổng lồ của Nhật Bản, được cả thế giới công nhận và đánh giá cao. Thành công của họ có khởi đầu từ một triết lý kinh doanh rõ ràng và minh bạch dựa trên việc tôn trọng sự công bằng và sáng tạo của con người. Nếu như Honda lớn mạnh và được người dân yêu mến, tin tưởng các sản phẩm của họ là nhờ triết lý “Tôn trọng con người” và triết lý “3 niềm vui” (niềm vui mua, niềm vui bán, niềm vui sáng tạo), thì Toyota thành công là nhờ triết lý 7 điểm trong đó nhấn mạnh tới việc xây dựng một doanh nghiệp được người dân và xã hội tin tưởng thông qua các hoạt động xã hội công bằng và thông thoáng. Người sáng lập nên Công ty Panasonic là ông Matsushita Konotsuke – người được giới kinh doanh ví như “vị thánh trong kinh doanh” đã xây dựng nên triết lý kinh doanh gồm 3 nội dung là “Cương lĩnh, tín điều và 7 tinh thần”, ông quan niệm “không có sự hợp tác giữa các nhân viên thì khó có được sự phát triển”.

Trên đây chỉ là những ví dụ điển hình nhất về triết lý kinh doanh của người Nhật Bản, còn rất nhiều những doanh nghiệp khác trên thế giới đạt được sự thành công nhờ có nền tảng vững chắc. Chẳng hạn như Tập đoàn Unilever coi tôn chỉ của mình là “thoả mãn các nhu cầu hàng ngày của con người ở mọi nơi, nắm bắt được nguyện vọng của người tiêu dùng và khách hàng, đáp ứng nguyện vọng đó một cách sáng tạo và hiệu quả thông qua các dịch vụ và nhãn hàng danh tiếng nhằm nâng cao chất lượng của cuộc sống".

Ở Việt Nam, những công ty kinh doanh hiệu quả và phát triển ngày càng mạnh mẽ như Viettel, FPT... đều là những doanh nghiệp xây dựng được triết lý kinh doanh vì cộng đồng. Song đáng tiếc là số này chưa nhiều, hoặc có doanh nghiệp công bố triết lý kinh doanh nhưng lại không trung thành theo đuổi với triết lý ấy. 

Tại hội thảo Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nhìn từ góc độ triết lý và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản do Trung Tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC) và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 16/12, ông Seki cho biết: “Người Nhật coi triết lý kinh doanh là xuất phát điểm, là trục quay của doanh nghiệp”. Hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp Nhật là một minh chứng cho thấy rõ, quan điểm này là xác đáng, lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam muốn kinh doanh thành công thì hãy bắt đầu từ việc chăm lo cho “trục quay” đó.