Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lần đầu tiên đại biểu chất vấn Chủ tịch Quốc hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu tiên trong một phiên họp chất vấn của Quốc hội nhiều năm trở lại đây, đại biểu Quốc hội chất vấn Chủ tịch Quốc hội.

Tại phiên chất vấn sáng 18/11 trước Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) gửi đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ba câu hỏi. Chủ tịch Quốc hội cho biết, ba câu hỏi chất vấn đều liên quan đến công tác lập pháp và là chất vấn có chất lượng.

Đại biểu Trần Du Lịch đặt câu hỏi, tại các phiên chất vấn có nhiều việc thuộc trách nhiệm địa phương thì có nên có phân cấp trách nhiệm của Chính phủ và địa phương để từ đó có thể giải quyết vấn đề của địa phương tại diễn đàn Quốc hội này không?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Trả lời câu hỏi, Chủ tịch Quốchội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội đã có phân cấp. Các luật này Quốc hội vừa thảo luận, ban hành xong chưa có hiệu lực thi hành ngay. Cho nên không cần ban hành luật riêng mà cố gắng tổ chức thực hiện cho tốt. 

Thủ tướng Chính phủ phân cấp trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Luật Tổ chức Chính quyền địa phương cũng nêu rõ trách nhiệm địa phương đến đâu, trách nhiệm Chính phủ, Trung ương đến đâu.

Trách nhiệm của HĐND địa phương thì trong Luật Tổ chức Quốc hội cũng đã có phân cấp và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ hướng dẫn quy định cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Phân cấp gì thì phân cấp nhưng trách nhiệm cơ quan hành pháp tối cao là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Không phải địa phương làm sai mà Chính phủ không phải chịu trách nhiệm. Còn địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Quốc hội không cần làm thêm luật”.

Chất vấn thứ hai gửi đến Chủ tịch, đại biểu Lịch đặt vấn đề luật có phân biệt lỗi cá nhân hay lỗi công vụ trong bồi thường oan sai không hay cứ lấy tiền ngân sách, tiền thuế của dân để bồi thường và Luật này có cần bổ sung gì không?

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, luật liên quan đến vấn đề bồi thường đã phân biệt khá rõ, lỗi nào do cá nhân thẩm phán, lỗi nào do cá nhân nhưng cố ý, do cá nhân nhưng do trình độ, năng lực; lỗi nào do xét xử... Các luật hiện hành tương đối đủ, rõ ràng nên chưa cần đề xuất với Quốc hội bổ sung luật này. Trong quá trình làm, nếu có vấn đề xuất hiện sẽ nghiên cứu thêm.

Chuyển sang chất vấn thứ ba về quy trình ban hành luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đại biểu Trần Du Lịch đặt vấn đề hầu hết các dự luật đều do Chính phủ đề xuất, nhưng có việc nói mãi tại diễn đàn mà Chính phủ chưa đề xuất. Ví dụ luật doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nêu thực tế hiện nay trên 90% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, nên tác động ở cấp luật là rất cần thiết nhưng đến nay chưa có luật riêng. Mặc dù vậy, Quốc hội đã có nhiều nghị quyết và Chính phủ có nhiều nghị định về lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội trả lời, hiện nay theo quy trình làm luật, người đề xuất là đại biểu Quốc hội, Ủy ban, Hội đồng Dân tộc, Chính phủ, Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… và các cơ quan tổ chức chính trị xã hội đều có quyền đó. Có thể nói, quy trình rất rộng.

Chính phủ là chủ thể có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất, trình luật, đó là chủ thể quan trọng, chủ thể chính trong đề xuất các bộ luật.

Các chủ thể, cơ quan khác vẫn có quyền đề xuất, nhưng đề xuất từ cá nhân thì chưa có. Đến nay chưa có đại biểu Quốc hội nào đề xuất sáng kiến dự án luật. Đại biểu Trần Du Lịch cũng có thể tự mình đề xuất được. Theo Chủ tịch Quốc hội thì luật pháp không cần bổ sung gì nữa, vấn đề là tổ chức thực hiện cho tốt.
Tại bản tin phát trực tiếp lúc 9h30 trên VTV1, nói về việc lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội trả lời chất vấn, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, phần trả lời của Chủ tịch Quốc hội có ý nghĩa “trong thể chế này ai cũng phải giải trình. Thậm chí người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất cũng phải giải trình”.

Ông cũng cho rằng, ở các nước chất vấn là quan hệ giữa hành pháp và lập pháp. Các đại biểu chất vấn Chủ tịch Quốc hội chỉ có trong thực tiễn của Việt Nam.